Đảng Cộng sản Việt Nam với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) 'Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc' đã đề ra 4 nhóm quan điểm toàn diện nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng hoa chúc mừng của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2023. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng hoa chúc mừng của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2023. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chất kết dính, gắn bó

Sinh thời Lê-nin đã khẳng định, một đảng tiền phong cho dù mạnh tới đâu cũng chỉ có khả năng trong một giới hạn nào đó, sức mạnh vĩ đại nhất chính là ở nhân dân.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta nhận thấy, mỗi khi dân tộc ta đoàn kết thì chắc chắn sẽ thành công, còn chia rẽ sẽ dẫn tới thất bại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc, truyền thống đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, giúp Việt Nam vượt qua những trở ngại, khó khăn, nhất là những khi phải đương đầu với kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Không những thế, mỗi khi dân tộc ta đoàn kết thành một khối thống nhất sẽ tạo thành một sức mạnh vô địch, vượt qua mọi chông gai, thử thách. Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành chất kết dính, gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.

Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân và đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị...

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Việt Nam lần lượt thất bại. Nguyên nhân các thất bại ấy là do các phong trào yêu nước chưa có một đường lối đúng đắn để quy tụ các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, ngay từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Thành tựu mà đất nước và dân tộc đạt được những năm qua có phần đóng góp lớn lao của tất cả mọi tầng lớp người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Mọi tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả những chính sách ấy đã dần đi vào cuộc sống, góp phần xây đắp khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tạo nên sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Các nghị quyết của Đảng gần đây đều đề ra quan điểm nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc. Ðề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết…

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển với mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được tầm nhìn và khát vọng ấy, chắc chắn cần có sự đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước. Vì vậy, việc thực hiện có hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đề ra sẽ góp phần vào thành công ấy.

Hồng Phúc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202402/dang-cong-san-viet-nam-voi-viec-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-eb35c8e/