Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Càng Long nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, góp phần đưa 02 cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng

Vùng đất Càng Long - mảnh đất giàu đẹp là kết quả của bao thế hệ đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ và xương máu trong 02 cuộc kháng chiến để góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng trường tồn, phát triển.

Đồng chí Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng cho đảng viên cao niên tuổi Đảng nhân dịp Kỷ niệm 94 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024).

Trải qua 02 cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Trà Vinh, Đảng bộ, dân và quân huyện Càng Long luôn nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, động viên phong trào thi đua yêu nước, huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhân dân lập nên những thành tích vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long cho biết: cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng chung cả nước, mùa Xuân năm 1930 Chi bộ đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được thành lập tại Ấp 3 nay là Ấp 3A, xã An Trường, huyện Càng Long. Đến ngày 19/7/1930, Huyện ủy Càng Long được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Càng Long đã đoàn kết chiến đấu dũng cảm, kiên cường, góp phần cùng cả nước đánh thắng các thế lực xâm lược, tiến tới cuộc Tổng công kích, Tổng Khởi nghĩa mùa Xuân năm 1975, giải phóng Càng Long, góp phần giải phóng Trà Vinh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng bộ huyện tập trung cán bộ tuyên truyền giáo dục tinh thần Hiệp định Giơnevơ và tình hình, nhiệm vụ mới nhất là chuyển hướng chiến lược về phương châm, phương pháp đấu tranh cách mạng, làm tốt công tác tổ chức xây dựng cơ sở mạnh, xây dựng căn cứ “lòng dân” cho cơ quan Tỉnh ủy đóng ở nhiều gia đình, một số cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cán bộ.

Điển hình như tại Ấp 7, xã An Trường lập một cụm hình tam giác, giữa cây rơm có hầm bí mật để cho Huyện ủy Càng Long đóng căn cứ; tại ấp Số 7, xã Mỹ Cẩm hình thành một xóm căn cứ Huyện ủy; các chùa: Piêseram, xã Bình Phú, chùa ấp Sóc, xã Huyền Hội nuôi giấu, bảo vệ cán bộ tỉnh, huyện và xã ngay tại chính điện và khuôn viên chùa; chùa Ba Si, xã Phương Thạnh nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, làm điểm họp và phát động các phong trào đấu tranh chính trị cho các đồng chí trong Ban Khmer vận Tỉnh ủy; tại ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ có 01 gia đình tập hợp những người trong thân tộc nuôi giấu, bảo vệ cơ quan C112 đến hoạt động cách mạng; tại xã Nhị Long và xã Đại Phước, hàng chục gia đình tạo điều kiện cho Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, Tỉnh ủy, Tuyên huấn tỉnh đến hoạt động cách mạng trong thời gian 07 năm (1968 - 1975).

Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, vượt qua những khó khăn chung, Đảng bộ, dân, quân Càng Long đoàn kết, quyết tâm tập trung phát triển kinh tế (trong ảnh: nông dân Càng Long thu hoạch lác).

Trong 06 năm chính trị (1954 - 1960) cực kỳ khó khăn, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định chọn Càng Long làm thí điểm cho cuộc đấu tranh chính trị đòi Hiệp thương Tổng tuyển cử. Tiêu biểu là xã An Trường đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị từ lẻ tẻ đến quy mô, làm địch hoang mang, dao động, gây dựng phong trào đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, binh vận đánh địch giành thắng lợi, bẻ gãy chiến lược “chiến tranh đơn phương” của Mỹ.

Sau Cao trào Đồng Khởi, quân và dân Càng Long phải đối phó với một lực lượng lớn quân chủ lực địch đánh chiếm bình định lập ấp chiến lược. Quân, dân Càng Long đã kiên quyết chống trả bằng mọi lực lượng, vận dụng trí thông minh, xây dựng lý lẽ để đấu tranh trực diện và đấu tranh tại chỗ; bám trụ giữ từng tấc đất, xây dựng phong trào chiến tranh Nhân dân, từng bước bẻ gãy ý đồ gom dân lập “ấp chiến lược”, góp phần cùng tỉnh đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Đứng trước tình hình địch thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” tăng cường bắn phá, oanh tạc, ném bom, rải chất độc hóa học tăng lên gấp bội, đưa các trung đoàn chủ lực của Sư đoàn 9 thường xuyên càn quét chiếm đóng các địa bàn trong huyện, Nhân dân Càng Long thực hiện “một tấc không đi”, vừa đánh giặc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, kiên quyết bám đất, bám làng đánh địch, đưa chiến tranh Nhân dân lên đỉnh cao làm cho quân địch bị thiệt hại nặng nề, giành thắng lợi lớn.

Khi ta thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đánh vào Sài Gòn và tất cả các thành phố, thị xã miền Nam, buộc địch phải “xuống thang” chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị. Chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên nghiêm túc, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Càng Long hoàn thành vượt mức yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Lúc bấy giờ, lực lượng ta tạm thời gặp khó khăn sau Mậu Thân, quân địch đánh chiếm lại một số vùng chúng đã mất, đánh chiếm cả vùng giải phóng của ta, thực hiện bình định cấp tốc, bình định trọng điểm (có B.52 rải thảm ở cánh B) bằng phương pháp “bàn tay sắt” kết hợp “bàn tay nhung”, với mọi thủ đoạn quân sự, chính trị, gián điệp, chiêu hồi. Dân bị gom, đồn bốt được dựng lên nhiều nơi, ta lâm vào thế khó khăn gay gắt.

Song, với tinh thần cách mạng kiên cường, với quyết tâm khắc phục vượt mọi khó khăn, rút kinh nghiệm về chỉ đạo đấu tranh với địch, lại có sự chỉ đạo của cấp trên, Càng Long nhanh chóng xây dựng, củng cố lực lượng và trận địa chiến tranh Nhân dân, xây dựng lực lượng 3 mũi tiến lên tấn công địch, bẻ gãy các cuộc càn quét, bao vây phong tỏa các đồn bót địch, từng bước diệt và bức rút các đồn bót của địch, giải phóng từng ấp, xóm, tiến lên giải phóng cơ bản từng xã.

Năm 1972, chính sách lấn chiếm bình định của địch ở Càng Long đứng trước nguy cơ tan vỡ trước sự tấn công của phong trào nhân dân du kích huyện nhà. Hiệp định Pari được ký kết, địch ở Càng Long công khai phá hoại Hiệp định, triển khai chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, tăng cường đánh phá ra vùng giải phóng của ta, thực hiện kế hoạch “diện địa” cắm cờ giành đất, giành dân nhất là lấn chiếm căn cứ lõm để phá thế da beo, tiêu diệt hạ tầng cơ sở ta hòng làm cho lực lượng cách mạng suy yếu.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh, Đảng bộ, quân, dân Càng Long tích cực chống địch lấn đất giành dân, phản công giành thắng lợi từng phần. Đến khi phối hợp với Tổng tiến công nổi dậy trên toàn miền và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Càng Long thực hiện sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã vào ngày 30/4/1975.

Qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu, nước huyện Càng Long đóng góp to lớn góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Để ghi nhận sự cống hiến, hy sinh, Đảng và Nhà nước đã phong tặng nhiều danh hiệu cao quý cho tập thể và cá nhân thuộc huyện như: 09 tập thể và 15 cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.056 Bà mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 215 cán bộ tiền khởi nghĩa và lão thành cách mạng, 252 người bị nhiễm chất độc hóa học, 2762 thương binh, 27 bệnh binh, 5.109 liệt sĩ và nhiều cán bộ, chiến sĩ, quần chúng ưu tú được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/dang-bo-chinh-quyen-va-nhan-dan-cang-long-neu-cao-tinh-than-doan-ket-dan-toc-gop-phan-dua-02-cuoc-khang-chien-di-den-thang-loi-cuoi-cung-36797.html