Đan Phượng bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể

Ở cái nôi xứ Đoài mây trắng, Huyện Đan Phượng được thừa hưởng nhiều loại hình văn hóa dân gian, tuy nhiên theo thời gian, những loại hình văn hóa này đã bị mai một nhiều. Để khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của quê hương, nhiều nghệ nhân dân gian đang nỗ lực truyền lại những kiến thức và bí quyết thực hành các loại hình văn hóa phi vật thể đó cho thế hệ trẻ tiếp bước và lưu giữ.

Bước sang tuổi 73 nhưng mỗi khi nhắc đến làn điệu ca trù của Thượng Mỗ Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Minh Tam như được sống lại với những ký ức của những làn điệu, âm phách truyền thống cổ của cha ông để lại. Để giữ gìn và phát triển nghệ thuật ca trù trên đất Thượng Mỗ bà Nguyễn Thị Tam đã phối hợp với Trường THCS Thượng Mỗ đưa ca trù vào trong trường học và thành lập CLB ca trù với gần 50 thành viên nhiều lứa tuổi tham gia. Được biết nghệ thuật ca trù đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Sáo diều là nghệ thuật dân gian được người dân Bá Dương Nội , xã Hồng Hà vẫn còn gìn giữ và phát triển cho tới ngày nay. Ở cái tuổi gần 80, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm được coi như linh hồn của làng Bá Dương Nội bởi ông luôn trăn trở, tìm tòi và dành hết tâm huyết để nghiên cứu cách làm những cánh diều sáo cổ, cách thả diều và lan tỏa ra cho các thế hệ trẻ. 1 CLB thả diều truyền thống cũng được thành lập tại thôn Bá Dương Nội do chính ông Kiểm làm chủ nhiệm CLB

Đan Phượng hiện có 3 địa chỉ văn hóa dân gian đặc sắc được ghi nhận đó là: Hát chèo tàu, ca trù Thượng Mỗ và sáo diều Bá Dương Nội. 3 loại hình này vẫn đang được những nghệ nhân đam mê, nhiệt huyết trao truyền cho các thế hệ, để mỗi loại hình nghệ thuật tỏa sáng theo cách riêng, trường tồn theo thời gian.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dan-phuong-bao-ton-nhung-gia-tri-van-hoa-phi-vat-the-205290.htm