Đạm Cà Mau hoàn tất việc sở hữu Phân bón Hàn – Việt

Ngày 17/5, Đạm Cà Mau (HoSE: DCM) đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty TNHH Phân bón Hàn Việt (KVF).

Ảnh: Đạm Cà Mau

Ảnh: Đạm Cà Mau

KVF được thành lập theo hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm 51% vốn góp từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) và 49% vốn góp từ Huchems (công ty thành viên của Taekwang). Huchems hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hóa chất tinh chế tại Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul.

Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) được khởi công xây dựng vào tháng 7/2016 tại TP HCM. Tháng 12/2017 nhà máy NPK Hàn – Việt của KVF chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD.

Trong tháng 10/2023, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) đã thông qua chủ trương mua 100% phần vốn góp của KVF từ chủ sở hữu. HĐQT ủy quyền toàn bộ cho tổng giám đốc thực hiện các công việc cần thiết cho lần mua lại vốn góp này, bao gồm trình HĐQT giá mua lại phần vốn tại KVF sau khi hoàn thành tất cả các bước thẩm định, đánh giá về kỹ thuật, tài chính, pháp lý và xử lý triệt để các tồn tại, các rủi ro tiềm ẩn có liên quan của KVF.

Bên cạnh Ure, Đạm Cà Mau cũng đang tập trung phát triển mạnh với mảng NPK. Trong năm 2024, doanh nghiệp dự kiến sẽ dành khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư, trong đó đầu tư khoảng 600 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 420 tỷ đồng và vốn vay là 180 tỷ đồng) M&A một nhà máy NPK.

Theo DCM, doanh nghiệp sẽ nâng tổng công suất sản xuất sản phẩm NPK lên 660.000 tấn/năm để thực hiện việc phát triển đối với mặt hàng phân bón này.

“Những năm qua, doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động marketing, xâm nhập thị trường và đạt được những kết quả nhất định. DCM đã ký kết những hợp đồng dài hạn về để cung cấp nguyên liệu sản xuất dòng sản phẩm NPK. Để gia tăng lợi thế, DCM còn đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi tại một số vùng miền để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cũng như tàng trữ hàng hóa,” thông tin từ DCM tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 diễn ra vào ngày 10/1.

Kinh doanh sản phẩm NPK của Đạm Cà Mau đạt 152.000/160.000 tấn năm 2023, có sự tăng trưởng rất lớn so với mức 41.000 tấn của năm 2021 và mức 84.000 tấn của năm 2022.

Với chính sách, chiến lược thâm nhập thị trường và việc doanh nghiệp đã sở hữu lợi thế cạnh tranh nhất định, DCM kỳ vọng năm 2024 chỉ tiêu kinh doanh dòng sản phẩm này sẽ tiếp tục tăng cao.

Hiện tại, nguyên liệu sản xuất NPK của Đạm Cà Mau vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi đó giá bán sản phẩm lại chủ yếu xác định trên giá nguyên liệu. Do đó, chiến lược định hướng cho NPK của doanh nghiệp là làm tốt khâu mua nguyên liệu, chủ động ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cùng với sản phẩm chủ lực ure. Đồng thời sản xuất, kinh doanh NPK còn được xác định là đòn bẩy để doanh nghiệp kinh doanh, xuất/nhập khẩu các sản phẩm phân bón khác.

Liên quan đến mảng xuất khẩu, tính đến năm 2023, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu phân bón sang hơn 18 thị trường trên thế giới với 344.000 tấn, đạt 136 triệu USD. Năm 2024, Đạm Cà Mau tiếp tục mở rộng thị trường mới là Australia và New Zealand.

Trong tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp được thông qua việc thực hiện kiểm tra và đánh giá nghiêm ngặt từ Australia, trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng chỉ xuất khẩu phân bón vào thị trường này.

Australia được đánh giá là thị trường tiềm năng cho mặt hàng phân bón nhưng đến hiện tại chưa có nhiều doanh nghiệp Việt xâm nhập vào thị trường này. Năm 2023, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 5,23 tỷ USD nhưng lại không ghi nhận giá trị xuất khẩu mặt hàng phân bón.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dam-ca-mau-hoan-tat-viec-so-huu-phan-bon-han-viet-post34737.html