Đảm bảo an ninh trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp

Năm 2021, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các đơn vị đã quyết liệt chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTT đến cán bộ, người lao động.

Tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ tại trường THCS Sông Đà (TP Hòa Bình).

Theo đánh giá của Công an tỉnh, tính đến thời điểm này, để đảm bảo ANTT tại các cơ quan, đơn vị, tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả 5 dạng với 16 loại, tương đương 111 đơn vị thành viên mô hình tự quản, tự bảo vệ về ANTT trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Các sở, ngành duy trì 40 quy chế phối hợp đảm bảo ANTT.

Tuy nhiên, trên thực tế tại địa bàn tỉnh, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng chủ quan, mất cảnh giác tại một số cơ quan, đơn vị, dẫn tới đối tượng lợi dụng sơ hở đột nhập công sở trộm cắp tài sản, cướp ngân hàng...; còn có doanh nghiệp để xảy ra hiện tượng công nhân nghỉ việc đình công, doanh nghiệp thi công dự án nảy sinh mâu thuẫn với một bộ phận người dân, tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Nhiều tiêu chuẩn "an toàn về ANTT" chưa đảm bảo, trong đó chỉ có 335/520 cơ quan, 217/1.109 doanh nghiệp và 466/484 nhà trường đăng ký đạt chuẩn an toàn về ANTT.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo phân tích của Công an tỉnh là do sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào TDBVANTQ ở một số ngành, cơ quan chưa sâu sát. Chất lượng phong trào TDBVANTQ ở các cơ quan, doanh nghiệp chưa đồng đều, chưa có nhiều mô hình cơ quan, doanh nghiệp điển hình về phong trào; sự gắn kết, phối hợp giữa cơ quan, doanh nghiệp với chính quyền địa phương và các ngành chưa thực sự hiệu quả, chặt chẽ.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các dự án... thực hiện nghiêm quy định người đứng dầu cấp ủy và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào TDBVANTQ và chịu trách nhiệm về tình hình ANTT ở đơn vị. Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng trong các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, phòng chống các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về chính trị, biểu hiện suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, siết chặt quản lý cán bộ, thực hiện kỷ luật, kỷ cương công tác trong cơ quan, đơn vị. Xử lý nghiêm các hành vi tham gia hoạt động "tín dụng đen", bán hàng đa cấp biến tượng, giao dịch hoa lan đột biến giá trị cao, hoạt động tư vấn, góp vốn đầu tư "thổi giá" bất dộng sản, hoạt động giao dịch tiền ảo... vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp cho xã hội. Xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT lồng ghép tiêu chuẩn "thực hiện nghiêm túc phòng, chống dịch Covid-19". Rà soát, tham mưu giải quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc liên quan đến ANTT, nhất là các vấn đề an ninh nội bộ, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước. Củng cố, hoàn thiện biện pháp bảo vệ ANTT, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, nhất là các cơ quan, mục tiêu quan trọng về an ninh, các khu công nghiệp, dự án lớn về kinh tế...

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/293/153209/dam-bao-an-ninh-trat-tu-tr111ng-co-quan,-doanh-nghiep.htm