Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết gì về đối phương?

Nhân cách của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam còn biểu hiện ở lòng nhân đạo bao dung đối với kẻ thù khi họ thất trận.

Sau mỗi chiến dịch thắng lợi, ông là người cầm quân không nghĩ đến công mình, mà chỉ nghĩ đến công của quân dân cả nước. Ông ghi trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ cảnh và tình lúc đi cùng quân sĩ:

“Bộ đội ta phát cây mở đường mà đi, bất chấp nắng mưa thất thường, bất chấp đói khát, đã hoàn thành nhiệm vụ. Dân công vận tải chuyển thương, bám sát đơn vị, đã dành từng nắm gạo rang, từng bi đông nước cho bộ đội trên đường đuổi địch”.

Và ông xúc cảm nghĩ: “Thật hạnh phúc khi dân tộc có được những người con như vậy trong chiến tranh! Mệnh lệnh của người chỉ huy, dù chính xác đến đâu, cũng trở thành vô nghĩa, nếu không được những người cầm súng trên chiến trường thực hiện một cách chủ động và sáng tạo”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đấy là bài học quý báu đã được vị Đại tướng cầm quân rút ra và đúc kết trong chiến đấu và chiến thắng.

Nhân cách của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam còn biểu hiện ở tấm lòng nhân đạo bao dung và cái nhìn nhân ái đối với kẻ thù khi chúng thất trận: “Hai ngày sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, tôi từ Mường Phăng đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Trại tù binh ở rải rác hai bên đường, binh lính địch vóc dáng to lớn, tắm giặt ở suối, dưới sự canh gác của những anh bộ đội rất trẻ, bé nhỏ, vẻ mặt hiền lành. Từ một khu rừng, vẳng ra tiếng phong cầm rộn ràng, hòa với tiếng hát những tù binh Pháp. Các đồng chí công tác địch vận đã báo cáo, binh lính tỏ vẻ vui thích khi ra hàng. Họ đều muốn sớm chấm dứt cuộc chiến đấu tuyệt vọng không mang lại lợi ích gì cho mình, để thoát khỏi cái địa ngục trần gian do Navarre đã tạo nên”.

Khúc vĩ thanh đẹp đẽ

Dưới trời Tây Bắc, lúc khói súng, khói đạn bom mới dần tan, đi xuyên qua rừng là hàng đoàn lũ lượt những tù binh người Pháp, người Bắc Phi, người Trung Phi, người Trung Âu, hoặc bước bộ, hoặc trên xe, được dẫn tới các trại tù binh ở miền xa chiến trường. Ở đấy họ không bị đánh đập hoặc ngược đãi tàn bạo như đã sợ, mà chỉ tai nghe, mắt thấy được những điều mới, làm thay đổi cả tâm hồn và ý thức.

Trong những cuộc nói chuyện, trao đổi tự do ở những giờ gọi là “lớp học”, những người Anh, Algérie, Maroc được hỏi:

Các anh là những chiến binh giỏi, mà tại sao các anh lại đánh cho bọn thực dân?

Sao các anh không chiến đấu cho chính các anh, để đất nước mình thuộc về tay mình?

Những lý luận đưa ra với các viên sĩ quan, hạ sĩ quan Algérie đã khiến cho có người, như một viên trung úy đã phát biểu rằng:

- Một cuộc chiến tranh thuộc địa, mình đã nếm đủ! Những mối dây ràng buộc cường quốc thực dân với những dân tộc bị trị đã đứt tung vĩnh viễn rồi!

Người sĩ quan Algérie ấy đã xin ở lại vào hàng ngũ Việt Minh, nhưng đã được thân ái khuyên:

- Chúng tôi đã làm nghĩa vụ cho đất nước chúng tôi. Các bạn cũng có Tổ quốc, để làm nghĩa vụ cho đất nước của các bạn!

Được ta trao trả tự do, người Algérie ấy đã trở về Tổ quốc. Anh là Slimane Hoffman. Mấy năm sau, anh tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng Algérie, chiến đấu và trở thành một đại tá cục trưởng. Anh đã thực hiện một Điện Biên Phủ ở Tổ quốc mình.

Đó là ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Nó như một tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới. Sau Điện Biên Phủ 1954 của Việt Nam, người ta không lấy làm lạ khi bao người châu Phi ở các thuộc địa cũng đứng lên chiến đấu giành độc lập với những tiếng hô vang đầy sức mạnh:

- Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Điện Biên Phủ!

Trần Thái Bình/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-viet-gi-ve-doi-phuong-post1471645.html