Đại học Hà Nội phản hồi ra sao về việc sinh viên bức xúc chuyện học phí tăng?

Nhiều sinh viên trường Đại học Hà Nội tỏ ra lo lắng vì cho rằng học phí tăng sẽ trở thành gánh nặng kinh tế lớn với bản thân và gia đình. Trước vấn đề này, đại diện trường Đại học Hà Nội đã lên tiếng phản hồi.

Theo đề án tuyển sinh, học phí năm học tới của trường Đại học Hà Nội dự kiến khoảng 720.000 - 1,74 triệu đồng/ tín chỉ. Tùy chương trình, sinh viên cần hoàn thành 145 - 152 tín chỉ để được công nhận tốt nghiệp. Như vậy với năm ngoái (0,65 - 1,39 triệu đồng một tín chỉ), học phí của trường Đại học Hà Nội tới đây dự kiến tăng khoảng 10 - 25%.

Sau khi mức học phí dự kiến này được công bố, không chỉ có các bạn tân sinh viên mà nhiều sinh viên đang theo học tại trường cũng tỏ ra bất ngờ. Nhiều sinh viên lo lắng, thậm chí bức xúc vì mức tăng học phí này của trường trở thành gánh nặng kinh tế khá lớn đối với bản thân và gia đình của các bạn, chưa kể học phí tăng nhưng theo các bạn chất lượng đào tạo, điều kiện học tập cũng như cơ sở vật chất của trường chưa có nhiều đột phá.

Phản hồi về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, trường là trường tự chủ nhóm 1 (tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư) nên nhà trường không còn nhận kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước và phải tự đảm bảo hoàn toàn các khoản chi cho hoạt động của nhà trường: Lương của toàn bộ đội ngũ nhân sự, một phần học bổng cho sinh viên, điện, nước, vệ sinh, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập, các hoạt động ngoại khóa… Do đó, học phí sẽ cần có một lộ trình tăng dần để đảm bảo cân đối thu - chi và phát triển.

"Học phí và các nguồn thu khác của nhà trường sau khi thu về sẽ dùng để chi cho các hoạt động thường xuyên và đầu tư. Sau khi lấy thu trừ đi các khoản chi (trong đó gồm cả học bổng của sinh viên chiếm 8% tổng thu học phí chính quy), nhà trường sẽ trích lập các quỹ theo quy định của nhà nước và chi đúng mục đích của quỹ đó. Trong đó, có quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25%) dùng để tái đầu tư: Mua sắm trang thiết bị, xây mới các công trình.

Khi học phí tăng, quỹ học bổng dành cho sinh viên sẽ tăng vì chiếm tỉ trọng 8% tổng thu học phí. Để đầu tư cho cơ sở vật chất, nhà trường sẽ dùng quỹ phát triển hoạt động đã nêu ở trên.

Mặc dù quỹ này còn rất hạn hẹp, trong những năm gần đây, Trường Đại học Hà Nội không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: 100% phòng học có điều hòa, máy chiếu; hệ thống phòng máy tính đa năng và phòng học tiếng tăng gấp đôi; thư viện hiện đại, mạng wifi được đầu tư mới cho các toàn nhà từ năm 2024, sân vận động và nhà ăn sinh viên đổi mới…" - TS Nguyễn Thị Cúc Phương cho biết.

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/dai-hoc-ha-noi-phan-hoi-ra-sao-ve-viec-sinh-vien-buc-xuc-chuyen-hoc-phi-tang-post1638064.tpo