Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui diễn ra trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa.

Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui (Vua Lửa) là văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh…

Nghi lễ cúng cầu mưa thường diễn ra vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, thời điểm thường xảy ra hạn hán gay gắt, khốc liệt.

Ông Rah Lan Hieo (đứng) làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để gửi lời thỉnh cầu đến thần linh. Ảnh: V.Chi

Những năm gần đây, lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui được thực hiện vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm, tại Khu Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), được đông đảo người dân và du khách chờ đón.

Năm nay, nghi thức cúng cầu mưa được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa. Nghi thức cúng do ông Siu Phơ (phụ tá của Vua Lửa thứ 14) thực hiện.

Mở đầu nghi lễ, ông Siu Phơ dẫn đầu đoàn nghi lễ rước lễ vật lên đỉnh núi thần Chư Tao Yang để thực hiện các nghi thức. Bộ chiêng Ơi Tú gồm 1 chiếc trống lớn làm từ da trâu, 3 chiếc cồng và 1 con heo đen còn sống khoảng 60 kg cùng được đưa lên núi thần làm lễ vật.

Tương truyền, các đời Vua Lửa phải kiêng ăn thịt bò, thịt ếch, nhái bởi bò là con vật gắn bó, giúp nông dân cày ruộng, trồng tỉa mùa màng; còn ếch, nhái là con vật báo trời mưa vì vậy chiếc trống dùng trong lễ cúng phải được làm từ da trâu; thịt heo phải là heo đen còn tơ, heo càng to càng thể hiện lòng thành kính của dân làng với các vị thần linh.

Sau khi lửa được nhóm lên, heo đã được làm thịt, ông Rah Lan Hieo (cũng là phụ tá của Vua Lửa thứ 14) bày thịt ra đĩa cùng các lễ vật gồm 1 ghè rượu, 1 tô gạo. Khi ngọn nến được thắp sáng cũng là lúc tiếng cồng, tiếng trống vang lên, ông Siu Phơ chắp tay lạy 3 lạy và bắt đầu bài cúng.

Vừa khấn, ông Siu Phơ vừa lấy gạo, thịt trong tô vãi ra xung quanh để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá… cùng về dự lễ.

Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội cầu mưa. Ảnh: V.Chi

Tiếp đến, ông rót rượu vào 1 cái tô đồng, lấy thịt đem đến đổ vào gốc cây và khe núi như để tưởng nhớ các Pơtao Apui đã khuất núi, cầu xin các Pơtao Apui phù hộ cho lời cầu khấn thành hiện thực.

Lễ hội cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.

Khi ông Siu Phơ quay trở lại ché rượu, ông Rah Lan Hieo từ từ đứng dậy, làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến các thần linh. Tất cả được thực hiện một cách nhịp nhàng.

Trong không gian núi rừng linh thiêng, ngoài tiếng cồng chiêng, tiếng thầy cúng, mọi người đều yên lặng dõi theo bởi họ tin rằng chỉ khi kính trọng các vị thần thì sẽ được thần linh phù hộ.

Năm nay, toàn bộ nghi lễ được Ban tổ chức livestream trực tiếp qua màn hình lớn giúp người dân và du khách có thể theo dõi từ xa. Đồng thời, cùng với lễ cầu mưa là Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số với nhiều nội dung: Diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng và các môn thi đấu thể thao đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo…

Các nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm. Ảnh: Vũ Chi

Đến với không gian lễ hội, du khách không chỉ được tìm hiểu các nghi lễ truyền thống, tham quan, mua sắm các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng từ thổ cẩm, nhạc cụ, trang sức; được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Jrai như cơm lam, gà nướng, rượu cần… mà còn được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc; được xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, tạc tượng nhà mồ, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca và cùng trải nghiệm, đắm chìm vào những điệu múa xoang uyển chuyển trong các lễ cúng nhà rông, cúng bến nước…

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dac-sac-le-cau-mua-yang-potao-apui-cua-nguoi-jrai-post293791.html