Đa số doanh nghiệp Đông Nam Á và Trung Quốc đại lục lạc quan về môi trường kinh doanh

Gần 80% các doanh nghiệp ở Đông Nam Á và Trung Quốc đại lục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh hiện tại, với 1/4 trong số đó kỳ vọng hiệu quả kinh doanh sẽ 'cải thiện đáng kể' trong năm 2024.

Lao động làm việc trong một nhà máy ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đây là một trong những phát hiện quan trọng trong Nghiên cứu Triển vọng kinh doanh mới nhất của Ngân hàng UOB, khảo sát 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các doanh nghiệp lớn hơn ở 7 thị trường trên khắp ASEAN và Trung Quốc đại lục.

Cuộc khảo sát đã được thực hiện từ cuối tháng 12 năm ngoái đến giữa tháng 1 năm nay, trong đó cho thấy nhiều doanh nghiệp đang theo dõi chặt chẽ tác động của tình trạng lạm phát gia tăng và chi phí hoạt động cao hơn, với nhiều doanh nghiệp cho thấy họ vẫn đang phục hồi từ đợt suy thoái kinh tế chung.

Cũng theo nhiều doanh nghiệp được khảo sát, họ dự định tập trung vào việc cắt giảm chi phí, tìm nguồn cung ứng cho cơ sở khách hàng mới, cũng như sử dụng nhiều hơn các giải pháp kỹ thuật số để cải thiện năng suất.

Ngoài ra, 83% doanh nghiệp quan tâm đến việc mở rộng ra nước ngoài. Trong đó, khoảng 3 trong số 5 doanh nghiệp đã liệt kê Đông Nam Á là khu vực ưa thích mà họ muốn hoạt động trong vòng 3 năm tới, với 4 thị trường hàng đầu là Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia. Khoảng 1/3 số doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc đại lục.

Kết quả khảo sát cũng đề cập đến những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt khi mở rộng ra nước ngoài, bao gồm khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp, thiếu nhân tài nội bộ để thúc đẩy việc mở rộng ra nước ngoài, và thiếu khách hàng tại thị trường mong muốn.

Khi được hỏi về các loại biện pháp hỗ trợ có thể giúp ích, các doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận nguồn tài trợ hoặc trợ cấp cho các thị trường mới, cũng như kết nối với những doanh nghiệp lớn, có thể đóng vai trò là khách hàng tiềm năng.

Cũng theo kết quả khảo sát, trong khi gần 90% doanh nghiệp tin rằng tính bền vững là quan trọng, thì chỉ có 44% doanh nghiệp thực sự thực hiện các hoạt động bền vững. Tại Singapore, khoảng 38% SME thực hiện các hoạt động như vậy, so với khoảng 50% ở cả Thái Lan và Trung Quốc.

Các rào cản chính đối với tính bền vững là mối lo ngại của các doanh nghiệp về tác động tiêu cực của những biện pháp bền vững đối với chi phí và lợi nhuận. Người đứng đầu nhóm ngân hàng thương mại của UOB, ông Eric Lian nhận định, ngay cả khi các SME nhận ra tính bền vững là điều bắt buộc, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với thách thức khi bắt đầu; đồng thời nói thêm: “Việc kết hợp các cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị vào chiến lược kinh doanh sẽ giúp các SME định vị tốt hơn, để mở ra cơ hội tăng trưởng và xây dựng khả năng phục hồi về lâu dài”.

Hơn 4 trong số 10 doanh nghiệp cũng cho rằng, việc áp dụng tính bền vững đã thu hút các nhà đầu tư và khiến việc hợp tác với những tập đoàn đa quốc gia trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cho thấy, 62% doanh nghiệp đã đạt được thành công trên mặt trận số hóa trong năm 2023, giảm nhẹ so với mức 68% được ghi nhận một năm trước đó. Những thách thức hàng đầu đối với quá trình số hóa bao gồm lo ngại về an ninh mạng, chi phí triển khai, và người lao động thiếu bộ kỹ năng số.

LÊ THẢO(Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/da-so-doanh-nghiep-dong-nam-a-va-trung-quoc-dai-luc-lac-quan-ve-moi-truong-kinh-doanh-140224.html