Đã giải mã được 'lời nguyền Pharaoh' khiến hơn 20 người tử vong?

Một nhà khoa học tuyên bố đã giải mã được 'lời nguyền của Pharaoh' được cho khiến hơn 20 người bỏ mạng sau khi mở lăng mộ Vua Tutankhamun năm 1922.

Những hình ảnh ban đầu khi lăng mộ Vua Tutankhamun được mở. Ảnh: Getty Images

Ai Cập cổ đại từng cảnh báo bất kỳ ai làm xáo trộn xác ướp hoàng gia sẽ chết bởi một căn bệnh mà không bác sĩ nào có thể chẩn đoán. Tuy nhiên, nhà khoa học Ross Fellowes cho rằng có lý do sinh học đằng sau những cái chết. Nghiên cứu của ông được công bố trên Tạp chí Scientific Exploration ngày 9/4.

Ông Ross Fellowes nhận định nguyên nhân là do nhiễm độc phóng xạ từ các yếu tố tự nhiên chứa uranium cũng như chất thải độc hại bên trong hầm kín. Việc tiếp xúc với các chất này có thể dẫn đến một số bệnh ung thư. Đáng chú ý, nhà khảo cổ học Howard Carter - người đầu tiên bước vào lăng mộ Vua Tutankhamun hơn 100 năm trước - đã qua đời vì ung thư.

Vào ngày 4/11/1922, nhóm của Carter đã tìm thấy những bậc thang dẫn đến lăng mộ Vua Tutankhamun và dành vài tháng để lập danh mục cấu trúc bên trong. Nhóm nghiên cứu đã mở phòng chôn cất và phát hiện chiếc quách chứa xác ướp Vua Tutankhamun vào tháng 2 năm sau.

Carter qua đời năm 1939, có khả năng vì đau tim sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư hạch Hodgkin và ngộ độc phóng xạ. Lord Carnarvon, một trong những người đàn ông cũng đi qua những căn phòng chứa đầy kho báu của lăng mộ Vua Tutankhamun năm 1922, đã chết vì nhiễm độc máu 5 tháng sau đó.

Những người khác tham gia cuộc khai quật đã chết vì ngạt thở, đột quỵ, tiểu đường, suy tim, viêm phổi, ngộ độc, sốt rét và phơi nhiễm tia X. Tất cả đều qua đời ở độ tuổi ngũ tuần. Nhà Ai Cập học người Anh Arthur Weigall tham dự lễ mở lăng mộ Vua Tutankhamun qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 54.

Lord Carnarvon (trái) và Howard Carter. Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu của nhà khoa học Ross Fellowes giải thích rằng các nghiên cứu hiện đại xác nhận mức độ bức xạ rất cao trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại, gấp 10 lần tiêu chuẩn an toàn. Một cuộc khảo sát với các nhà Ai Cập học từng làm việc trong các ngôi mộ cho thấy tỷ lệ cao mắc bệnh ung thư, tim mạch và các trường hợp tử vong đột ngột/bất thường khác do triệu chứng đặc trưng của nhiễm độc phóng xạ.

Ông Fellowes cho biết mức độ phóng xạ cao cũng được ghi nhận trong các tàn tích lăng mộ của thời kỳ Old Kingdom (từ năm 2649 đến 2130 trước Công nguyên) tại hai địa điểm ở Giza và trong một số ngôi mộ dưới lòng đất ở khu mộ cổ Saqqara.

Các nghiên cứu khác đã đo trực tiếp khí hiếm phóng xạ không màu radon tại nhiều vị trí khác nhau trong nhiều ngôi mộ ở Saqqara. Nồng độ radon trong môi trường xung quanh đã được ghi nhận tại sáu địa điểm ở Saqqara.

Hàng ngàn chiếc bình được khai quật dưới Kim tự tháp Step vào những năm 1960 chứa tới 200 tấn chất vẫn chưa được xác định. Các nhà khoa học nghi ngờ thấy chất độc đã được chôn cùng với xác ướp. Những dòng chữ được tìm thấy bên trong các ngôi mộ khác trên khắp Ai Cập cho thấy người cổ đại biết về chất độc. Các dòng chữ cảnh báo rằng đây là khu vực bị cấm bởi “linh hồn ma quỷ”.

Kích thước nhỏ của phòng chôn cất Tutankhamun khiến các chuyên gia bối rối trong nhiều năm. Carter và nhóm của ông đã mất 10 năm để dọn sạch kho báu trong ngôi mộ. Chúng được đưa vào đó để hỗ trợ vị Pharaoh trẻ tuổi trong chuyến hành trình sang thế giới bên kia.

Xác ướp Tutankhamun. Ảnh: EPA

Tutankhamun là Pharaoh thuộc triều đại thứ 18, trị vì từ năm 1332 trước Công nguyên đến năm 1323 trước Công nguyên. Ông lên ngôi khi mới chín hoặc mười tuổi. Khi Tutankhamun trở thành vua, ông kết hôn với em gái cùng cha khác mẹ của mình, Ankhesenpaaten. Ông qua đời vào khoảng 18 tuổi và nguyên nhân cái chết vẫn chưa được kết luận. Tuy nhiên, vị vua trẻ lại gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do cha mẹ của ông vốn là anh chị em.

Việc tái tạo lại khuôn mặt và cơ thể của Vua Tutankhamun đã cho thế giới nắm bắt thoáng qua về những căn bệnh mà ông có thể đã phải chịu đựng. Vua Tutankhamun có hàm răng hô, bàn chân khoèo và hông to. Các nhà nghiên cứu cho biết, thay vì trở thành một vị vua trẻ đam mê đua xe ngựa, Tutankhamun phải dựa vào gậy để đi lại trong thời gian cai trị của mình.

Hình ảnh mô phỏng về Vua Tutankhamun. Ảnh: BBC

Một cuộc khám nghiệm tử thi ảo, bao gồm hơn 2.000 lần quét máy tính, được thực hiện song song với phân tích di truyền của gia đình Tutankhamun, nhằm hỗ trợ bằng chứng cho thấy cha mẹ ông là hôn nhân cận huyết. Các nhà khoa học tin rằng điều này khiến Tutankhamun suy giảm thể chất do mất cân bằng nội tiết tố. Và lịch sử gia đình cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết sớm của Vua Tutankhamun ở tuổi thiếu niên. Nhiều thần thoại khác nhau cho rằng ông đã bị sát hại hoặc tử vong do tai nạn xe ngựa bởi người ta tìm thấy những vết nứt ở hộp sọ và các bộ phận khác trong xương của ông.

Nhưng gần đây, các nhà khoa học cho rằng Vua Tutankhamun có thể đã chết vì một căn bệnh di truyền và bàn chân bị tật có thể khiến ông khó tham gia đua xe ngựa. Hutan Ashrafian, giảng viên phẫu thuật tại Đại học Hoàng gia London nhận định rằng một số thành viên trong gia đình Vua Tutankhamun dường như đã mắc các bệnh do mất cân bằng nội tiết tố. Bằng chứng về những hạn chế về thể chất của Vua Tutankhamun cũng được củng cố bởi 130 cây gậy đã qua sử dụng được tìm thấy trong lăng mộ của ông.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Daily Mail)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-mat/da-giai-ma-duoc-loi-nguyen-pharaoh-khien-hon-20-nguoi-tu-vong-20240427100845026.htm