Cùng hành động bảo vệ đại dương xanh

Hình ảnh rác thải nhựa ngổn ngang tại nhiều khu vực vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa), vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) và đầm Ô Loan (huyện Tuy An) được báo chí đăng tải những ngày qua khiến nhiều người không khỏi xót xa khi môi trường biển đang bị bức tử.

Cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia làm sạch biển Vũng Rô (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia làm sạch biển Vũng Rô (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo, đại dương đang thực sự kêu cứu khi phải oằn mình hứng chịu lượng rác thải khổng lồ, không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Trái ngược với hình ảnh không mấy đẹp đẽ do những người thiếu ý thức gây ra, là hình ảnh những cán bộ, đoàn viên thanh niên cùng nhau dọn dẹp rác vào sáng chủ nhật vừa rồi để trả lại vẻ đẹp nên thơ vốn có của những vịnh, đầm này được nhiều người cảm phục, chia sẻ trên mạng xã hội.

Câu hỏi đặt ra là rác thải nhựa tồn đọng tại các vịnh, đầm trong tỉnh xuất phát từ đâu? Và ai cũng biết có nhiều nguồn khác nhau, trong đó có rác thải từ sinh hoạt thường ngày của người dân sống ven đầm, vịnh; rác trong quá trình nuôi trồng thủy sản của ngư dân… Mặc dù chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh đã cố gắng nhiều lần ra quân dọn dẹp rác, nhưng do lượng rác quá lớn và còn tồn đọng dưới đáy biển chưa thu gom hết, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Rác thải nhựa trong các vịnh, đầm sẽ tăng hơn nữa khi đồ nhựa, xốp dùng một lần vẫn còn tràn ngập khắp nơi ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là thực phẩm và đồ gia dụng. Thống kê gần đây cho thấy, mỗi năm trung bình một người Việt Nam sử dụng hơn 41kg nhựa. Dù ai cũng biết mối nguy hại từ rác thải nhựa, nhưng để giảm tiêu thụ, tăng tái chế, phân loại rác ngay từ đầu nguồn và bỏ rác đúng nơi quy định thì vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Trước thực trạng này đòi hỏi chính quyền các cấp và cơ quan chức năng phải có giải pháp ngăn chặn ngay việc xả rác thải ra môi trường, trong đó cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Việc phải làm ngay lúc này là tổ chức thu gom rác thải nhựa, tăng cường truyền thông để người dân hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần; hướng tới chấm dứt thói quen xả rác bừa bãi, bỏ rác lẫn lộn chưa qua phân loại.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể đối tượng áp dụng; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực môi trường. Dù nghị định đã có hiệu lực thi hành gần 2 năm nay, nhưng không nhiều người xả rác thải bừa bãi trên các vịnh, đầm trong tỉnh đã bị xử lý. Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả rác của người dân tại các vịnh, đầm; khuyến khích mọi người quay video, chụp hình ảnh các hành vi xả rác xuống biển gửi cho chính quyền để có cơ sở xử lý thì có lẽ rác thải không tồn đọng nhiều như thời gian gần đây?

Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Đã đến lúc mỗi chúng ta phải có những hành động cụ thể, kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý rác thải, chung sức cùng cộng đồng xóa bỏ các điểm đen về rác thải tại các bờ biển, góp phần bảo vệ đại dương xanh - hành tinh xanh; bảo vệ môi trường sống của chúng ta

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316325/cung-hanh-dong-bao-ve-dai-duong-xanh.html