Cụ thể hóa mục tiêu thành phố 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'

Hà Nội cần triển khai những vấn đề có tính đột phá, vượt trội về cơ chế, chính sách trên cơ sở lấy chính người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản, giúp Hà Nội phát triển toàn diện, điều này sẽ góp phần tạo cơ sở hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của Thành phố đề ra

70 năm Thủ đô giải phóng - Tạo sức bật mới cho “đất rồng bay”

Năm 2024, Hà Nội chạm một dấu mốc lịch sử: 70 năm giải phóng. Và từ dấu mốc này, như lời nhắn nhủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, “Hà Nội phải huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hội nhập quốc tế… có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thời gian qua, Hà Nội đã nhanh chóng bắt tay “hành động” tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa mục tiêu như Nghị quyết đề ra.

“Hành động” để hiện thực hóa khát vọng phát triển

Với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thành phố đã tập trung định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; đó là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai); đồng thời xác định 5 trục phát triển, trong đó sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm... Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến... Hà Nội cũng đã huy động nguồn lực để hoàn thành các dự án, công trình giao thông trọng điểm

Đặc biệt, Thành phố tập trung đẩy nhanh triển khai các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng để khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào ngày 25/6/2023. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được ví như “siêu dự án” hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian phát triển Thủ đô, khi hoàn thành không chỉ tạo động lực phát triển cho Hà Nội, mà còn khắc phục hạn chế liên kết vùng, thúc đẩy các tỉnh trong vùng và cả nước phát triển...

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, cấp thiết đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân như thông qua Đề án quản lý tài sản công; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai; tăng cường phân cấp, ủy quyền; Đề án cải tạo các khu chung cư cũ...

 Hà Nội đang huy động nguồn lực để hoàn thành các dự án, công trình giao thông trọng điểm.

Hà Nội đang huy động nguồn lực để hoàn thành các dự án, công trình giao thông trọng điểm.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa với tầm nhìn đến năm 2045 đã có chuyển động tích cực, đạt những kết quả đáng ghi nhận, qua đó, thúc đẩy tài nguyên văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn lực mới quan trọng, khơi dậy và lan tỏa tình yêu Hà Nội, tinh thần xây dựng “Thành phố sáng tạo”, khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hiến nghìn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phồn vinh, hạnh phúc và bền vững của Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mô hình Thành phố thông minh bền vững mà Thành phố Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc…

Cần sự đột phá, vượt trội về cơ chế, chính sách

Nhận thức và quyết tâm xây dựng Thành phố Hà Nội văn minh, văn hiến, hiện đại, xứng tầm Thủ đô của một đất nước gần 100 triệu dân; Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng, tuy nhiên cũng cần giải quyết rất nhiều bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân;...

Nói về việc hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra của Hà Nội, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn Thành phố.

 Diễu hành Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội, nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9-2023.

Diễu hành Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội, nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9-2023.

Thành phố cần tiếp tục chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử.

Đặc biệt, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, cần phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đẩy mạnh ý chí, khát vọng phát triển, xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là Thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, Thành phố kết nối toàn cầu, Thành phố sáng tạo.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), cùng với việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức điều hành, điều được nhắc đến là cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm với công việc. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, thực chất trong việc tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, góp phần tạo chuyển biến tích cực cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở. Để qua đó, kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược phát triển Thủ đô và giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

“Hà Nội cần triển khai những vấn đề có tính đột phá, vượt trội về cơ chế, chính sách trên cơ sở lấy chính người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản, giúp Hà Nội phát triển toàn diện, điều này sẽ góp phần tạo cơ sở hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của Thành phố đề ra” - TS.Nguyễn Viết Chức chia sẻ.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cu-the-hoa-muc-tieu-thanh-pho-van-hien--van-minh--hien-dai-post282044.html