Con người có khả năng dự đoán biến cố không?

Các biến cố bất thường đòi hỏi ta phải ra sức tìm kiếm những thông tin phù hợp, cả ngoài môi trường cũng như trong trí nhớ.

Bên trong và bên ngoài

Chúng tôi đã đối chiếu hai cách suy nghĩ về các sự kiện: tư duy thống kê và tư duy nhân quả. Tư duy nhân quả giúp ta đỡ mất công phân loại các biến cố là bình thường hay bất thường theo thời gian thực.

Các biến cố bất thường đòi hỏi ta phải ra sức tìm kiếm những thông tin phù hợp, cả ngoài môi trường cũng như trong trí nhớ. Việc chủ động kỳ vọng một sự kiện nào đó cũng đòi hỏi nỗ lực. Ngược lại, gần như không cần phải lao tâm khổ tứ gì cả với dòng sự kiện trong Thung lũng Bình thường.

Hàng xóm của bạn có thể mỉm cười khi bạn đi qua hoặc có thể đang bận bịu gì đó nên chỉ gật đầu nhẹ - cả hai sự kiện này sẽ không thu hút nhiều chú ý nếu vẫn thường xảy ra trong quá khứ. Nếu nụ cười có vẻ hớn hở bất thường hoặc cái gật đầu dường như chiếu lệ thiếu tự nhiên, có lẽ bạn sẽ lục lọi trí nhớ để tìm nguyên nhân. Tư duy nhân quả giúp bạn tránh nỗ lực không cần thiết đồng thời vẫn cảnh giác để phát hiện những sự kiện bất thường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Ngược lại, tư duy thống kê tốn nhiều công sức hơn. Nó đòi hỏi sức chú ý mà chỉ có Hệ tư duy 2 mới có thể mang lại, tức lối tư duy gắn liền với suy nghĩ thấu đáo, chậm rãi. Không phải ở trình độ tiểu học mà được đâu, tư duy thống kê đòi hỏi đào tạo chuyên biệt. Kiểu tư duy này bắt đầu với việc tập hợp và cân nhắc các trường hợp riêng lẻ trong phạm trù rộng lớn hơn.

Việc gia đình Jones bị mất chỗ ở không được coi là kết quả của một chuỗi sự kiện cụ thể, mà được xem là một kết quả có ý nghĩa thống kê, hoặc không có ý nghĩa thống kê, ứng với những quan sát cho trước về những cá thể, tức những gia đình khác, có chung các đặc điểm dự đoán với gia đình Jones.

Sự khác biệt giữa hai lối tư duy trên là chủ đề xuyên suốt cuốn sách này. Việc dựa vào tư duy nhân quả về một trường hợp đơn lẻ là nguồn gốc dẫn đến sai số dự đoán. Để tránh sai số đó, ta nên nhìn từ góc độ thống kê, hay còn gọi là góc nhìn bên ngoài.

Đến đây, tất cả những gì chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là tư duy nhân quả tự nhiên có trong chúng ta. Ngay cả những giải thích nên được xử lý thỏa đáng bằng phương pháp thống kê mà còn dễ dàng biến thành miêu tả nhân quả.

Xem thử những nhận định như “họ thất bại vì thiếu kinh nghiệm” hoặc “họ thành công vì có một nhà lãnh đạo xuất sắc.” Bạn dễ dàng nghĩ ra các ví dụ phản biện về những đội ngũ thiếu kinh nghiệm nhưng vẫn thành công và những nhà lãnh đạo xuất chúng song vẫn thất bại.

Mối tương quan giữa kinh nghiệm và thành công rực rỡ cùng lắm cũng chỉ ở mức độ vừa phải và thậm chí có thể thấp. Thế nhưng các nhận định trên đã biến thành sự quy kết nhân quả. Khi mối quan hệ nhân quả có vẻ hợp lý, tâm trí ta dễ dàng biến mối tương quan, dù thấp, thành quan hệ nhân quả giúp giải thích sự việc. Khả năng lãnh đạo xuất sắc được chấp nhận là giải thích thỏa đáng cho thành công, và sự thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân của thất bại.

Có lẽ không thể tránh khỏi phải dựa vào những cách giải thích thiếu sót, bởi nếu không, ta đâu còn cách nào khác để hiểu thế giới. Tuy nhiên, tư duy nhân quả và ảo tưởng hiểu được quá khứ góp phần dẫn tới những dự đoán tự tin thái quá về tương lai. Như ta sẽ thấy, thiên hướng tư duy nhân quả cũng khiến ta quên mất độ nhiễu chính là nguồn gốc gây ra sai số, vì độ nhiễu là một khái niệm thống kê cơ bản.

Tư duy nhân quả giúp ta hiểu thế giới, vốn dĩ khó dự đoán hơn ta tưởng. Nói cách khác, tư duy nhân quả giải thích tại sao ta lại thấy thế giới là dễ đoán hơn nhiều so với thực tế. Không có gì bất ngờ mà cũng chẳng có chi mâu thuẫn khi dòng đời êm trôi trong Thung lũng Bình thường. Tương lai có vẻ dễ dự đoán như quá khứ. Ta không nhìn thấy mà cũng chẳng nghe được độ nhiễu.

Bàn về giới hạn của sự hiểu biết

“Dự đoán của con người thường có hệ số tương quan với thực tế vào khoảng 0,20 (PC = 56%).”

“Tương quan không có nghĩa là quan hệ nhân quả, nhưng quan hệ nhân quả ngụ ý sự tương quan.”

“Hầu hết các sự kiện bình thường đều không được kỳ vọng mà cũng chẳng gây bất ngờ, và không đòi hỏi phải giải thích.” “Khi dòng đời trôi qua trong Thung lũng Bình thường, các sự kiện đều không được kỳ vọng mà cũng chẳng gây ngạc nhiên, và tự phơi bày nguyên nhân.”

“Ta nghĩ rằng ta hiểu những gì đang diễn ra, nhưng ta có đoán trước được không?”

Daniel Kahneman, Olivier Sibony, Cass R. Sunstein/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-nguoi-co-kha-nang-du-doan-bien-co-khong-post1470558.html