Con người cần có đức tính chân chính

Đức tính của một phật tử chân chính, nhất thiết đạo Phật không đòi hỏi người ấy phải thực hành nhiều điều khó khăn, nhưng những đòi hỏi phải có, chỉ cốt làm cho cá nhân người ấy được thăng hoa, nói một cách khác là được tốt đẹp hơn trong hiện tại, nhất là ở mai sau.

Đức tính của một phật tử chân chính, nhất thiết đạo Phật không đòi hỏi người ấy phải thực hành nhiều điều khó khăn, nhưng những đòi hỏi phải có, chỉ cốt làm cho cá nhân người ấy được thăng hoa, nói một cách khác là được tốt đẹp hơn trong hiện tại, nhất là ở mai sau.

Tác giả: Phúc Trung – USA
Nguồn: Budsas.net

Khi người ta đi chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe chư Tăng, Ni thuyết pháp, hay tự giới thiệu “Tôi là Phật Tử“, chúng ta biết những người ấy đều là Phật Tử, nghĩa là con của Phật, nói khác hơn là họ đã tự nguyện đi theo con đường của đức Phật, đáng cho chúng ta quý trọng, bởi vì những người đó cùng chung lý tưởng với chúng ta về tôn giáo, nhưng quý hơn hết phải là một Phật tử chân chính.

Đạo Phật chẳng những là đạo từ bi mà còn bình đẳng và tự do đối với hết thảy mọi chúng sanh, cho nên một Phật tử chân chính, nhất thiết đạo Phật không đòi hỏi người ấy phải thực hành nhiều điều khó khăn, nhưng những đòi hỏi phải có, chỉ cốt làm cho cá nhân người ấy được thăng hoa, nói một cách khác là được tốt đẹp hơn trong hiện tại, nhất là ở mai sau.

Những đức tính cần phải có:

Đức tin: Người Phật Tử chân chánh trước tiên phải tin rằng, đức Phật là một bậc Đại Giác Ngộ, những điều Ngài giảng được ghi lại trong Kinh điển đều là Chân lý, nhưng chúng ta nên nhớ sự tự do đầu tiên mà đức Phật đã dạy chúng ta là: “Hiểu ta rồi hãy tin ta, nếu tin ta mà chẳng hiểu ta, ấy là phỉ báng ta vậy!” Chúng ta tin rằng Đạo Phật là con đường chấm dứt mọi khổ đau, làm cho chúng ta an lạc trong hiện tại và giải thoát luân hồi trong tương lai.

Giữ giới: Trước khi đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài dạy chư Tăng phải lấy giới luật làm Thầy, cho nên người Phật Tử chân chánh nhứt thiết phải giữ Năm giới cho được nghiêm mật, luôn luôn nhớ Giới là Thầy, Giới đứng đầu Tam Học, có giữ Giới hạnh mới sanh Định, tâm có định mới sanh ra Trí Huệ.

Tu học: Một người Phật Tử nếu không chịu Học, Hỏi, Hiểu, Hành thì sẽ rơi vào tà kiến, làm những điều sằng bậy như những người bình thường khác. Trước tiên người Phật Tử phải học hỏi, bằng cách nghe Thuyết pháp ở chùa hay băng do quý Tăng, Ni giảng. Đọc kinh, sách, báo Phật Giáo để hiểu những giáo lý đức Phật đã dạy.

Nên thân cận những bậc chân tu, những người thiện tri thức để thấm nhuần học hạnh, gần gũi những bạn đạo đã tu học nhiều năm, có đạo đức để học hỏi luận đàm cho trí huệ mình được khai mở thêm. Kế đến là phải tu tập, công phu hằng ngày, tùy theo mình chọn lựa pháp môn cho thích hợp với bản thân, hoặc ngồi Thiền, niệm Phật, tụng kinh.

Lúc mới đầu có nhiều khó khăn nhưng phải cố gắng vượt qua, cần nhất là chuyên cần, ngày nào cũng phải công phu, thời công phu luôn luôn đúng giờ. Để tránh những khách khứa, giờ công phu tốt nhất là từ 5 đến 6 giờ sáng, sẽ không ai quấy rầy mình được cả, và là lúc trời mát mẻ, không khí trong lành, yên tĩnh, giúp tâm trí được an định và trong sáng, bắt đầu cho một ngày mới.

Thứ nữa là tập vun trồng lòng từ bi, nên cúng dường, bố thí; thứ nhất tạo phước đức cho chúng ta, thứ hai là tập cho quen tính buông xả, để đến khi chết không tiếc thương, bận bịu một cái gì, thanh thản ra đi, chỉ tưởng nhớ đến Phật, nhờ đó Cận Tử Nghiệp (nghiệp lành dữ lúc gần chết) sẽ giúp ta tái sinh về thiện giới.

Tác giả: Phúc Trung – USA
Nguồn: Budsas.net

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/con-nguoi-can-co-duc-tinh-chan-chinh.html