Cơn khát tài nguyên và động lực kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh khiếm hụt tài nguyên, tác động chính sách và sức ép từ thị trường góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế theo định hướng kinh tế tuần hoàn.

Sức ép từ chính sách

Báo cáo Triển vọng tài nguyên toàn cầu năm 2019 của Liên Hiệp Quốc cho hay hoạt động khai thác tài nguyên đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 1970, gồm việc sử dụng khoáng sản phi kim loại tăng gấp 5 lần và mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 45%. Việc khai thác và chế biến nguyên liệu, nhiên liệu và thực phẩm đóng góp phân nửa tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, kéo theo hơn 90% mất đa dạng sinh học và căng thẳng về nước.

Báo cáo Triển vọng Tài nguyên vật liệu toàn cầu đến năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sử dụng vật liệu toàn cầu sẽ tăng lên 167 tỉ tấn vào năm 2060 từ mức 79 tỉ tấn năm 2011, trong đó khoáng sản phi kim loại như cát, sỏi và đá vôi chiếm hơn phân nửa. Nhu cầu tài nguyên hữu hạn ngày càng khiếm hụt mở ra cơ hội cho công nghiệp tái chế cải thiện năng lực cạnh tranh so với khai thác nguyên liệu thô.

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2023.

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2023.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn Mekong Connect 2023, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - cho rằng tái chế rác thải chịu sức ép từ thị trường châu Âu, hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực. “Những sửa đổi gần đây nhất áp dụng cho các mục tiêu hàm lượng tái chế, đặt tỷ lệ thành 30% đối với chai nước uống bằng nhự và bao bì nhạy cảm tiếp xúc với PET (PET contact – sensitive packaging), 10% đối với bao bì nhạy cảm tiếp xúc không phải PET và 35% đối với bao bì nhựa khác vào năm 2030. Bao bì nhạy cảm tiếp xúc là bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm hoặc vật tư y tế. Đề xuất dự thảo cũng sẽ tăng các mục tiêu đó lên 50% đối với các loại bao bì tiếp xúc nhạy cảm và 65% đối với các loại bao bì khác, gồm cả chai nước giải khát, vào năm 2040”, ông Việt Anh cập nhật thông tin. Hàng rào kỹ thuật của EU thúc đẩy công nghiệp tái chế.

Kinh tế tuần hoàn lần đầu được luật hóa tại Điều 142 Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Điều 54 luật này quy định “tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm”. Nếu không tái chế thì những chủ thể này phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, trừ trường hợp ngoại lệ. Lộ trình thực hiện bắt đầu từ ngày 1.1.2024.

Tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì trong 3 năm đầu tiên được quy định cụ thể tại Cột 4 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh 3 năm một lần, tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường (Điều 78 NĐ08/2022/NĐ-CP).

Nhằm tạo thuận tiện hơn cho người tiêu dùng trong việc mang vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng đi tái chế, Tetra Pak đã hợp tác với công ty VECA để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh.

Nhằm tạo thuận tiện hơn cho người tiêu dùng trong việc mang vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng đi tái chế, Tetra Pak đã hợp tác với công ty VECA để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh.

Khi tái chế trở thành lợi thế cạnh tranh quốc tế

Thiện cảm dành cho sản phẩm tái chế quyết định hành vi của người tiêu dùng. Động cơ khuyến khích từ thị trường thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế. Công khai, minh bạch hàm lượng tái chế trong sản phẩm là một trong những yếu tố khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn.

“Chênh lệch giá cả có thể lên đến cả trăm lần”, ông Nguyễn Huy, tập đoàn Intertek, nêu thí dụ từ ngành dệt may. Ông Huy lưu ý sản phẩm tái chế chịu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, các tổ chức liên quan… và người tiêu dùng. Khác với các chứng nhận tự nguyện doanh nghiệp được cấp một lần xài cả năm như trước đây, doanh nghiệp hiện phải khai báo hàm lượng tái chế có trong mỗi sản phẩm được chứng nhận bởi tổ chức độc lập sau khi kiểm định toàn bộ hóa đơn chứng từ liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng. Toàn bộ dữ liệu sau đó sẽ được cập nhật trên nền tảng số, bảo đảm các bên đều có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.

“Tôi đã từng có lô hàng cập cảng châu Âu nhưng không thể khui thùng ra bán chỉ vì thiếu một chứng từ liên quan đến một khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất”, ông Huy chia sẻ thông điệp doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, “nói thật, làm thật và truy xuất được” nếu muốn sản xuất sản phẩm tái chế.

Ông Nguyễn Huy, tập đoàn Intertek, chia sẻ tại Mekong Connect 2023.

Ông Nguyễn Huy, tập đoàn Intertek, chia sẻ tại Mekong Connect 2023.

Dệt may là một trong năm ngành trọng yếu của kinh tế tuần hoàn, bên cạnh xây dựng, giao thông, bao bì nhựa và thực phẩm, theo ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Secoin. Nhận định kinh tế tuần hoàn mới chỉ được thảo luận ở cấp vĩ mô, ông nhắc lại chuyến thăm Canada dịp cuối năm ngoái. Thị trưởng thành phố Toronto chia sẻ kinh tế tuần hoàn là công cụ then chốt để đô thị này đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2040. Với ngành xây dựng, chính quyền thành phố áp đặt chính sách trung hòa carbon đối với những tòa nhà xây dựng kể từ năm 2020.

“Nếu tòa nhà không được thiết kế trung hòa carbon thì sau này phải tốn thêm khoảng 70% chi phí xây dựng dự án để cải tạo lại theo hướng trung hòa carbon”, ông Kỳ ước tính. Trông người lại ngẫm đến ta, ông Kỳ nói “hô hào Net Zero mà tại sao cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa ban hành quy chuẩn để nhà đầu tư, công ty thiết kế, nhà thầu hướng đến…”.

Trong khán phòng, không có ý kiến phản hồi từ những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đáp lại vấn đề mà ông Kỳ quan tâm. Cũng như không thể tìm được một đáp án chung cho 5 ngành nghề trọng yếu của kinh tế tuần hoàn. Nhưng dù muốn hay không, để không bị thị trường bỏ lại sau lưng, doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề buộc phải thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR - Extended Producer Responsibility) mà theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong chuỗi giá trị ngành hàng, từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu thụ cho đến thải bỏ.

Thượng Tùng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/con-khat-tai-nguyen-va-dong-luc-kinh-te-tuan-hoan-41748.html