Con đường nào ở Hà Nội do Bác Hồ đặt tên?

Đây là con đường ở Hà Nội do Bác Hồ trực tiếp đặt tên. Con đường này không mang tên danh nhân, cũng không mang tên các sản phẩm hàng hóa.

1. Con đường nào ở Hà Nội do Bác Hồ đặt tên?

Đường Thụy Khuê
Đường Bưởi
Đường Giải Phóng
Đường Thanh Niên

Chính xác

Đường Thanh Niên, con đường dài gần 1km bắt đầu từ dốc Yên Phụ đến ngã ba Quán Thánh – Thụy Khuê, là do Bác Hồ đặt tên.

Những năm 1957-1959, con đường này được lực lượng thanh niên tham gia cải tạo trở nên to đẹp hơn. Khi hoàn thành, lãnh đạo thành phố, thành đoàn thanh niên Hà Nội bàn nên đặt cho con đường một tên mới.

Một số đồng chí đề nghị đổi là đường Lý Tự Trọng, tên một đoàn viên thanh niên cộng sản tiêu biểu. Một nhà văn hóa đề nghị nên đặt tên là đường Hồ Xuân Hương vì con đường thơ mộng này gắn liền với Bà Chúa thơ Nôm, nữ thi sĩ lãng mạn ở phường Khán Xuân, Thăng Long thành.

Bác sĩ Trần Duy Hưng, khi đó là chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội, đã đến gặp Bác Hồ và hỏi về việc đặt tên mới cho con đường này.

Sau khi nghe trình bày, Bác Hồ hỏi lại:

- Những ai là người xây dựng con đường này?

Bác sĩ Trần Duy Hưng trả lời:

- Thưa Bác, thanh niên Thủ đô.

Bác nói giản dị:

- Thế thì nên đặt tên là đường Thanh Niên!

Cái tên mới của con đường chính thức xuất hiện từ đó.

2. Trước đây, con đường này có tên là gì?

Quần Ngựa
Lủ Cầu
Cầu Đất
Cổ Ngư

Chính xác

Trước đó, đây vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ XVII để tiện giữ cá. Lúc đầu, đập mang Cố Ngự, nghĩa là giữ vững. Lâu dần, người dân đọc chệch thành đường Cổ Ngư. Đây là con đường đất đi từ đầu cửa ô Yên Hoa (nay là Yên Phụ) ở phía Bắc xuống đến cửa ô Thụy Chương ở phía Nam.

Con đường này cũng đi vào bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”.

3. Hồ Trúc Bạch từng là một phần của hồ nào?

Hồ Quảng Bá
Hồ Tây
Hồ Tứ Liên
Hồ Nghi Tàm

Chính xác

Hồ Trúc Bạch nằm ở góc Đông Nam Hồ Tây, vốn là một phần của Hồ Tây. Khi mới được ngăn ra, hồ Trúc Bạch vẫn chưa có tên riêng. Gần hồ có một làng Trúc Yên (có tên gọi khác là Trúc Lâm) trồng nhiều trúc. Vào thế kỉ XVIII, chúa Trịnh Giang cho xây cung điện cạnh hồ để tiện nghỉ mát và đặt tên là Trúc Lâm.

Sau này, cung điện Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội. Ở đây, họ phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Lụa dệt ra rất đẹp và bóng nên gọi là lụa trúc (tiếng Hán là Trúc Bạch). Từ đó, ngôi làng chuyên dệt lụa là làng Trúc ra đời. Vì thế, hồ cũng có tên là hồ Trúc Bạch.

4. Làng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch nổi tiếng với nghề gì?

Nghề dệt lụa
Nghề đúc đồng
Nghề trồng sen
Nghề làm nón

Chính xác

Làng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch, có lịch sử khoảng 500 năm. Theo sử sách ghi lại, vào thời nhà Lê sơ (1428-1527), triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi ở 5 xã của huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên) về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ xã.

Người dân ở 5 xã kéo về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân lấy tên là Ngũ Xã. Ngay từ khi lập làng, người dân đã coi nghề thủ công đúc đồng là nghề sản xuất chính. Đại bộ phận dân cư trong làng tập trung sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề.

5. Chùa Trấn Quốc được dựng dưới thời vua nào?

Lý Thánh Tông
Lý Nam Đế
Lý Thái Tông
Lý Nhân Tông

Chính xác

Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế sai dựng một ngôi chùa lớn ở phường Yên Hoa (Yên Phụ), lấy tên là Khai Quốc (nghĩa là mở nước). Đây chính là chùa Trấn Quốc ngày nay. Dưới thời nhà Lý, Trần, chùa là trung tâm Phật giáo. Với lịch sử gần 1.500 năm, Trấn Quốc được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Chùa được xếp vào danh mục di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-duong-nao-o-ha-noi-do-bac-ho-dat-ten-2221105.html