Cổ tích giữa đời thường

- “Cuối tuần này tao về, mày hẹn tụi Hải, Trung, Quân họp mặt nha!”.

- “Có chuyện gì vui hả, đừng nói là mày thăng chức nhanh vậy nha?!”.

Tâm cười xòa thay cho lời xác nhận.

- “Ừ! Mày về đi. Tao sẽ cõng mày chạy khắp lô cao su để ăn mừng nhé!”.

Mỗi lần nhận điện thoại của Tâm, tôi đều đoán được sẽ có chuyện mừng. Tâm là vậy, chỉ muốn sẻ chia cùng bạn bè những điều vui vẻ, tích cực. Với Tâm, buồn, vui gì cũng hết một ngày nên chọn cách sống lạc quan sẽ thấy cuộc đời thật đáng sống.

Tôi còn nhớ năm đầu tiên Tâm rớt đại học, tôi buồn và suy sụp như thể mình mới là người rớt vậy. Tâm vẫn lạc quan với suy nghĩ rằng đại học không phải là con đường duy nhất. Câu nói đó nếu được thốt ra từ một người lành lặn bình thường thì chẳng có gì đáng nói, đằng này là Tâm, một thanh niên với hai chân bị liệt từ nhỏ. Vì vậy, tôi luôn lo lắng nếu không đi học Tâm sẽ làm gì để có cuộc sống không vất vả.

Tôi chơi với Tâm từ khi hai đứa chưa đến trường. Tôi cũng không biết Tâm bị tật từ bao giờ, chỉ biết rằng khi nhà Tâm chuyển tới ở gần nhà tôi thì hai chân bạn đã không đi lại được. Nhà có hai anh em, Tâm là anh lớn. Tuy không đi đứng được nhưng quét nhà, nấu cơm, rửa chén… Tâm đều làm tốt. Cha mẹ chúng tôi khi ấy đều làm công nhân nông trường cao su nên phải rời nhà từ tờ mờ sáng. Tâm thức dậy nấu nướng và gọi em gái dậy ăn cơm, dỡ cơm vào cà men để mẹ về lấy.

Công việc nhà xong, chúng tôi lại hẹn nhau ra sau hè nơi có cây khế to che bóng mát để bày trò chơi. Tâm vẽ rất đẹp, khi ấy làm gì có giấy và bút màu, những bức họa của Tâm chủ yếu được vẽ trên nền đất bằng cành cây. Chỉ cần vạch vài nét, Tâm đã vẽ ra một chú chim đang tung cánh trông rất sinh động. Tôi rất thích các bức tranh của Tâm nhưng không cách gì cất giữ được, bèn ngắm chán rồi tặc lưỡi cho Tâm xóa đi vẽ cái khác.

Những ngày đi học chúng tôi như hình với bóng, vì Tâm không đi lại được nên tôi tình nguyện trở thành đôi chân của bạn suốt những năm tiểu học. Nghe như câu chuyện cổ tích giữa đời thường, nhưng với tôi lúc ấy là chuyện bình thường. Tâm nhỏ bé với đôi chân teo tóp nên cõng bạn cũng chỉ như cõng đứa em trai nhỏ của tôi. Khi chúng tôi lớn hơn, đi học xa hơn, tôi lại chở Tâm trên chiếc xe đạp cọc cạch, hai đứa cứ râm ran chuyện trò trên suốt quãng đường đi. Lúc ấy chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày chúng tôi xa nhau…

Tâm là người nghị lực nhất mà tôi từng biết, chưa bao giờ bạn tự ti về bản thân, lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ. Thi rớt đại học, Tâm xin cha mẹ lên thị xã học đồ họa vi tính. Sau khi học xong, Tâm tiếp tục học nâng cao và xin vào làm tại một công ty thiết kế xây dựng. Còn tôi học sư phạm và về làm thầy giáo làng. Chúng tôi cách xa nhau từ đó, nhưng không vì thế mà mối liên hệ của chúng tôi thiếu đi những ký ức đẹp.

Tâm đi làm đến nay cũng ngót nghét chục năm, chịu khó mày mò, sáng tạo, hiện bạn được đề bạt chức trưởng phòng. Mọi cột mốc đáng nhớ của Tâm đều có tôi góp mặt, khi thì tôi đón xe lên thành phố để cùng Tâm dạo lòng vòng Sài Gòn ăn mừng bằng ly bia tươi vỉa hè rồi cùng nhau ôn chuyện cũ. Khi thì Tâm đón xe về nhà, hai đứa lại mắc võng ngoài lô cao su nói đủ chuyện trên đời…

Có người từng nói, tình bạn 10 năm là trở thành tri kỷ, còn tôi với Tâm bên nhau hơn 20 năm, chẳng biết tình bạn ấy sẽ được gọi là gì. Chỉ biết rằng chúng tôi luôn nghĩ về nhau đầu tiên khi có chuyện cần chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Với tôi, Tâm không chỉ là bạn mà còn là người thân, người truyền cảm hứng, một tấm gương để tôi dạy dỗ các con mình. Theo năm tháng, chúng tôi đều lớn lên, duy chỉ có tình bạn giữa tôi và Tâm là vẫn vậy, như câu chuyện cổ tích luôn có cái kết đẹp.

Đăng Triều

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/157508/co-tich-giua-doi-thuong