'Có tài sản giá trị hơn 10 tỷ nhưng không tiếp cận được vốn do thủ tục rườm rà'

Để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Sáng 23-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”.

Ngân hàng cần giảm bớt thủ tục hành chính cho vay

Tại hội thảo, ông Đặng Văn Thanh - Cục phó Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT) cho biết, dù có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX phát triển, song số lượng các hợp tác xã tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít.

Do tiêu chí HTX thụ hưởng còn chưa phù hợp thực tiễn, thủ tục hành chính phức tạp, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của các HTX; chưa có cơ chế đặc thù cho các HTX trong việc sử dụng ngân sách.

Về phía hợp tác xã, ông Nguyễn Hữu Hạ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Công bằng Thuận An (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, hiện nay các quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng khiến HTX khó tiếp cận nguồn vốn. "Hợp tác xã Thuận An có giá trị tài sản chung hơn 10 tỷ đồng nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn do thủ tục phức tạp, rườm rà" - ông Hạ nói.

Vì vậy, ông Hữu Hạ kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo NHNN, các bộ ngành liên quan, các NHTM giảm bớt thủ tục hành chính cho vay, như định giá tài sản, vay lưu động giải ngân linh động, vay dự trữ lưu kho, ưu tiên cho vay đối với các HTX đang kinh doanh hiệu quả, đúng bản chất HTX....

Hợp tác xã phát triển chưa đạt yêu cầu

Thừa nhận thực tế, song bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết.

Hiện, hợp tác xã chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Ảnh: Minh Trúc

Chỉ rõ, bà Vân cho hay, hiện tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu.

Theo bà Vân, hiện khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng của kinh tế tập thể chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Do đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật Hợp tác xã có hiệu lực từ 1-7-2024.

Ví dụ như các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển Hợp tác xã, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước.

Về phía NHNN, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thông tin, NHNN thường xuyên rà soát, không ngừng hoàn thiện quy định về hoạt động cho vay, trong đó loại hình kinh tế hợp tác, HTX được bình đẳng với các thành phần kinh tế.

Ngoài các chính sách ưu đãi tại các NHTM, các HTX, thành viên HTX còn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua khoảng 28 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn; giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ; tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay...

Thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng 2024. Đặc biệt tiếp tục đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đến hết năm 2024.

Một giải pháp nữa là NHNN tiếp tục nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Đến cuối tháng 2, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng; cho vay không có tài sản đảm bảo đối với HTX, Liên hiệp HTX trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng. Các HTX không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-tai-san-gia-tri-hon-10-ty-nhung-khong-tiep-can-duoc-von-do-thu-tuc-ruom-ra-post786982.html