TS. Hồ Lâm Giang: 'Bạo lực học đường gia tăng, có lỗi từ cả gia đình và nhà trường'

TS. Hồ Lâm Giang nhận định, bạo lực học đường liên tiếp xảy ra vì giáo dục hiện nay vẫn quá nặng về kiến thức sách vở, chưa chú trọng dạy kỹ năng sống, nhiều đứa trẻ cư xử ích kỷ vì chưa được trang bị kiến thức để thấu hiểu, chung sống yêu thương.

Nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong và cả ngoài nhà trường gây xúc dư luận và lo âu cho các bậc cha, mẹ. PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã trao đổi với TS. Hồ Lâm Giang, Chuyên gia tâm lý giáo dục, Trưởng ban cố vấn giáo dục Happy Teen về những giải pháp để giảm thiểu vấn nạn này.

Bạo lực học đường đang lan rộng

PV: Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động về mức độ nguy hiểm. Thưa TS. Hồ Lâm Giang, các yếu tố nào là nguyên nhân khiến bạo lực học đường lan rộng? Liệu mạng xã hội, phim ảnh liên quan bạo lực tập thể có phải là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường?

TS. Hồ Lâm Giang: Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển hơn nhưng lại có nhiều vụ bạo lực và bất ổn hơn trong cuộc sống. Theo tôi, có nhiều nhóm nguyên nhân khiến tình trạng này ngày càng gia tăng.

Nhóm nguyên nhân đầu tiên đến từ phía gia đình. Trẻ có hành vi bạo lực, tấn công người khác có thể có ít nhiều vấn đề về tâm lý. Điều này có thể xuất phát từ việc thiếu thốn sự quan tâm, yêu thương, thấu hiểu từ gia đình.

Ngoài ra, các em có cái tôi và nhận thức lệch lạc, không được giáo dục để học cách chung sống và tôn trọng sự khác biệt… Nếu gia đình làm tốt vai trò của mình, tôn trọng và yêu thương trẻ, dạy trẻ biết thấu hiểu, tôn trọng người khác thì vấn nạn về bạo lực học đường sẽ được giải quyết từ gốc rễ.

Nhóm nguyên nhân thứ hai phải kể đến môi trường giáo dục của chúng ta hiện nay quá nặng về kiến thức, nhưng lại có sự đầu tư chưa thỏa đáng về việc dạy kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, đặc biệt là sự cân bằng về tinh thần cho các em. Thực tế, nhiều trường chạy theo thành tích đã tạo ra áp lực cho trẻ phải học giỏi toàn diện, phải dành nhiều thời gian để học tập, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi, cân bằng và giải phóng năng lượng.

Do đó, khi áp lực tăng cao mà không được trang bị nhận thức và thái độ đúng, không biết cách thấu hiểu cho người khác, đánh giá phán xét người khác trên quan điểm của cá nhân mình, trẻ sẽ khó có thể học được cách chung sống trong yêu thương và hòa bình, coi mình là trung tâm và có phần ích kỷ... Chưa kể, nhiều trường có cách ứng xử chưa phù hợp về mặt quản lý đối với vấn nạn học đường, thậm chí bao che để giữ tên tuổi của trường.

Cuối cùng, những câu chuyện nhân văn về tình bạn, tình thương yêu của con người với nhau không được phổ biến, trong khi những vụ án bạo lực giết người thường xuyên phủ sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, những phim hành động bạo lực nhan nhản trên mạng, và những game chiến đấu thu hút đông đảo lượng học sinh tham gia.

Chứng kiến những hành động bạo lực của người lớn diễn ra ngay trước mắt vô hình chung đã tạo ra môi trường độc hại cho trẻ. Khi các em không được dạy kỹ năng ứng xử, các giải pháp cân bằng tâm trạng, xử lý căng thẳng mỗi khi có xích mích, hay sự không vừa ý, khó chịu… sẽ dễ dẫn tới ẩu đả hoặc tấn công về tinh thần đối với bạn bè.

Theo TS. Hồ Lâm Giang, nhiều trường có cách ứng xử chưa phù hợp về mặt quản lý đối với vấn nạn học đường, thậm chí bao che để giữ tên tuổi của trường (Ảnh: NVCC).

Theo TS. Hồ Lâm Giang, nhiều trường có cách ứng xử chưa phù hợp về mặt quản lý đối với vấn nạn học đường, thậm chí bao che để giữ tên tuổi của trường (Ảnh: NVCC).

PV: Có ý kiến cho rằng trẻ em trong các gia đình ly hôn liên quan bạo lực có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Môi trường như vậy dẫn đến tỉ lệ học sinh liên quan bạo lực học đường rất lớn. Bà có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS. Hồ Lâm Giang: Quả thật, trong nhiều khảo sát liên quan tới những nhóm trẻ gây ra bạo lực học đường cho thấy, trẻ em sinh ra trong gia đình ly hôn liên quan bạo lực gia đình thường gặp vấn đề về tâm lý bởi ảnh hưởng xấu từ gia đình, môi trường sống vừa bị bạo lực, bị bỏ rơi và có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường.

Tuy nhiên, thực tế tôi cũng từng gặp những em từng là nạn nhân của bạo lực nên hiểu được nỗi đau khổ, sợ hãi và sẵn sàng giúp những bạn khác trước nguy cơ bị bạo lực.

Ngược lại, rất nhiều trẻ em sinh ra trong những gia đình cơ bản, đủ cả bố lẫn mẹ, được quan tâm yêu chiều thái quá nên có hành vi hung hăng, tấn công người khác, muốn mọi người phải làm theo ý mình, hoặc đơn giản chỉ để giải phóng những ức chế, ẩn ức từ việc bị kiểm soát, chì chiết, áp lực, thiếu quan tâm từ gia đình.

Thực tế cho thấy, nhiều bố mẹ không ý thức được mình đang gây ra bạo lực tinh thần cho nhau hoặc gây bạo lực tinh thần cho con. Cộng với sự “khủng hoảng” của tuổi vị thành niên, áp lực từ học tập, và sự bức bối từ gia đình khiến vấn nạn bạo lực học đường ngày càng trở nên nhức nhối.

PV: Thưa bà, cha mẹ có vai trò gì trong giáo dục về tôn trọng, kỹ năng giải quyết xung đột, quản lý hành vi của con để ngăn chặn bạo lực học đường?

TS. Hồ Lâm Giang: Xã hội nói chung và các bậc cha mẹ nói riêng vẫn chưa ý thức được hết tác động nghiêm trọng của bạo lực học đường đến sự phát triển của trẻ em. Nạn nhân của bạo lực học đường sẽ bị tổn thương về mặt thể chất và tinh thần. Với trẻ, đặc biệt là lứa tuổi trung học cơ sở, bạn bè giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của các em. Việc bị xa lánh, cô lập, tấn công tập thể là một cơn ác mộng ám ảnh nhất với các em.

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những vết thương bên ngoài nhưng lại khó có thể thấy được những tổn thương, ám ảnh bên trong tinh thần các em nên khó có thể hỗ trợ kịp thời. Sự ám ảnh, sợ hãi, lo âu sẽ theo các em trong một thời gian dài, thậm chí khiến các em gặp các vấn đề tâm lý, sợ hãi các mối quan hệ, khó tập trung vào học tập.

Trong nhiều năm trực tiếp dạy học ở cấp trung học, cũng như hỗ trợ các vấn đề về tâm lý giáo dục cho các em bị khủng hoảng tinh thần, tôi nhận thấy một thực tế, đó là chúng ta chưa học được cách tôn trọng sự khác biệt, chưa dạy cho trẻ học được cách chung sống hòa thuận. Không ít em có chia sẻ, vì quá khác biệt nên bị đám đông xa lánh, em phải trốn trong nhà vệ sinh suốt giờ ra chơi để không bị trêu chọc. Thậm chí có một học sinh lớp 11 đã kể với tôi rằng, hồi học lớp 4, vì đối diện với sự bắt nạt của nhóm bạn, cô bé đã không chịu nổi và nghĩ đến việc dùng khăn đỏ để tự tử trong nhà vệ sinh.

Việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực học đường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó cha mẹ và thầy cô có vai trò hết sức quan trọng giúp trẻ có nhận thức toàn diện để thấu hiểu về con người, về cách ứng xử nhân văn, về thái độ sống yêu thương, bao dung.

Muốn trang bị được cho con những hiểu biết về sự tôn trọng, kỹ năng giải quyết xung đột, quản lý hành vi thì trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Muốn dạy con giải quyết xung đột, cần cho con thấy cách cha mẹ chúng giải quyết xung đột như thế nào hay cách hành xử nào là phù hợp nhất trong những tình huống cụ thể.

Về phía học sinh, cần giúp trẻ có những kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ là nạn nhân của bạo lực học đường. Rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh là nền tảng của một tinh thần vững vàng và trí tuệ phát triển.

Việc học võ, chơi thể thao sẽ rèn luyện phản xạ, cho trẻ một cơ thể khỏe mạnh để tự bảo vệ mình. Tiếp đó là kỹ năng xử lý tình huống từ việc chủ động tránh những sự xung đột không đáng có, giảm thiểu những yếu tố nguy cơ, nếu là nạn nhân thì nên yêu cầu sự trợ giúp đối với gia đình, thầy cô, nhà trường, cơ quan chức năng… Cuối cùng, cha mẹ nên học cách thấu hiểu những vấn đề của trẻ để giúp chúng không bị lệch lạc trong nhận thức, biết cách chung sống, tôn trọng sự khác biệt, biết bao dung, yêu thương mọi người.

Một thế hệ trẻ em được phát triển khỏe mạnh về thân thể, tinh thần và trí tuệ là thứ mà xã hội phát triển hướng tới (Ảnh: SKĐS).

Một thế hệ trẻ em được phát triển khỏe mạnh về thân thể, tinh thần và trí tuệ là thứ mà xã hội phát triển hướng tới (Ảnh: SKĐS).

PV: Theo bà, các trường cần chủ động triển khai ngăn chặn bạo lực học đường và tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh như thế nào?

TS. Hồ Lâm Giang: Bạo lực diễn ra ở môi trường học đường nên nhà trường cần có trách nhiệm trong việc xử lý vấn đề bạo lực học đường. Thực tế, ở lứa tuổi học sinh, các em chưa có sự nhìn nhận đúng đắn và toàn diện về con người, các em cũng đang trong quá trình hoàn thiện khả năng làm chủ được cảm xúc và ứng xử phù hợp, do đó sẽ có những sự mâu thuẫn, kích động dẫn tới xung đột, ẩu đả. Đặc biệt là lứa tuổi dậy thì, các em có sự thay đổi mãnh liệt về mặt thể lý, sự thất thường về cảm xúc, và sự bốc đồng trong hành động. Do vậy, số liệu cho thấy đây là lứa tuổi xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường.

Nếu như nhà trường sát sao khâu quản lý, giáo dục các em học sinh về cách cư xử, xử lý nghiêm những trường hợp có dấu hiệu vi phạm… sẽ khiến cho môi trường giáo dục trở nên an toàn và lành mạnh. Các thầy cô giáo nếu được rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống tốt, nắm bắt được tâm lý học sinh, điều hòa những mâu thuẫn ngay từ khi mới khởi phát, rèn luyện học sinh biết cách ứng xử, sống với nhau bao dung và bảo vệ nhau… thì bạo lực học đường sẽ ít xuất hiện hơn.

Tuy vậy, nói trách nhiệm của bạo lực học đường hoàn toàn là do nhà trường là chưa đúng. Bởi lẽ, môi trường gia đình và môi trường sống của các con cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu các em không được bố mẹ dạy cách ứng xử đúng đắn, hoặc lớn lên trong môi trường sống nhiều bạo lực thì cũng rất dễ trở thành đứa trẻ giải quyết vấn đề bằng bạo lực.

Để có thể cải thiện về hành vi của trẻ, đầu tiên, chúng ta cần quan tâm tới việc cải thiện về nhận thức đúng đắn cho các em. Nhà trường nên cung cấp thông tin, giúp các con có nhận thức về bạo lực học đường, dám đứng lên bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn bè khỏi vấn nạn bạo lực.

Bên cạnh đó, người thân của trẻ cũng nên dạy cho các con kỹ năng ứng xử, giao tiếp để có thể hòa đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, tạo một môi trường phát triển lành mạnh. Một môi trường yêu thương, thấu hiểu, bao dung và tôn trọng sự khác biệt sẽ không có chỗ cho bạo lực học đường tổn tại.

Nhà trường cũng cần có phòng tham vấn tâm lý, hỗ trợ khi các em gặp vấn đề trong các mối quan hệ, trong các vấn đề của bản thân, biết cách giúp các bạn là nạn nhân của sự tấn công lên tiếng, từ đó có sự phối hợp hỗ trợ, cải thiện tâm lý cho các em.

Ngoài ra, bên cạnh việc giáo dục, trang bị nhận thức, kỹ năng xử lý thì việc tiến hành kỷ luật nghiêm minh, đủ sức răn đe, kết hợp với sự chung tay của gia đình và nhà trường, các cơ quan chức năng, cũng là những biện pháp khiến cho bạo lực học đường không tiếp diễn ở trường học.

Trân trọng cảm ơn TS. Hồ Lâm Giang về cuộc trò chuyện này!

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ts-ho-lam-giang-bao-luc-hoc-duong-gia-tang-co-loi-tu-ca-gia-dinh-va-nha-truong-d4457.html