Có những bất thường…

Sau nhiều ngày xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Khánh (SN 1982, thường trú ở tổ 8, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) về tội 'Hủy hoại rừng', TAND huyện Quang Bình quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 15h ngày 14/5/2024.

Xét xử vụ án “Hủy hoại rừng” ở Hà Giang:

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Khánh. Ảnh: Công Phương.

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Khánh. Ảnh: Công Phương.

Luật sư khẳng định, chưa đủ cơ sở kết tội

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân huyện Quang Bình cho rằng, đã đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Trọng Khánh phạm tội “Hủy hoại rừng” và đề nghị mức án đối với bị cáo là từ 8 đến 9 năm tù.

Trong phần bào chữa cho bị cáo, luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư Hà Nội là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Trọng Khánh đã chỉ ra nhiều căn cứ pháp luật để cho rằng việc VKS Nhân dân huyện Quang Bình cáo buộc bị cáo phạm tội “Hủy hoại rừng” là không có căn cứ, chưa đúng pháp luật.

Theo đó, luật sư Triển cho rằng, trong phần xét hỏi, đại diện UBND huyện Quang Bình là ông Tăng Trung In – Phó chủ tịch UBND cho biết, các thửa đất trong vụ án đã được cấp sổ đỏ cho các hộ dân đều đang có hiệu lực pháp luật, trong giấy CNSQSDĐ đều ghi rất rõ ràng đấy là “Đất rừng sản xuất”. Vậy có nghĩa là người dân có quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển kinh tế, người dân làm gì trên các thửa đất trên là quyền của họ. Đồng thời, đất không thuộc quản lý của UBND huyện Quang Bình và người thiệt hại cũng không phải là UBND huyện.

Hợp đồng chuyển nhượng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều ghi "Đất rừng sản xuất".

Hợp đồng chuyển nhượng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều ghi "Đất rừng sản xuất".

Cũng trong phần bào chữa, luật sư Trần Đình Triển cho hay, vụ án chưa xác định đúng người bị hại và cần xác định lại người có nghĩa vụ liên quan, không chỉ có mình ông Vũ Hồng Quân là người có nghĩa vụ liên quan, mà những chủ đất trước như ông Nguyễn Thanh Hải, Đặng Văn Kim, Đỗ Bằng Giang và những người mua lại đất như Nguyễn Đức Bình Dương, Đinh Lam Thắng, Nguyễn Đức Dụ, Đinh Văn Chiến đều phải xác định là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án chứ không phải với tư cách là người làm chứng.

Ngoài ra, cần xác định lại với tư cách người làm chứng Nguyễn Thị Tiện, vì bà Tiện là người được hưởng lợi rất lớn trong việc mua bán đất giữa bị cáo Khánh và Quân.Bà Nguyễn Thị Tiện được xác định là người môi giới Quân cho Khánh. Bản chất của sự việc trên là Nguyễn Trọng Khánh mua đất của các hộ dân rồi Tiện môi giới bán lại cho Quân, Quân bán lại cho người dưới Hà Nội, để cho sự việc thuận lợi Quân, Khánh, Tiện đã chụm lại với nhau để làm thủ tục sang tên, và dọn các khu đất trên cho ông Nguyễn Đức Bình Dương và Đinh Lam Thắng vì những người này không quen ai ở trên xã Tân Bắc và huyện Quang Bình.

“Giả sử nếu Khánh có phạm tội “Hủy hoại rừng”, thì Vũ Hồng Quân và Nguyễn Thị Tiện phải được xác định là đồng phạm”, luật sư Triển nhấn mạnh.

Vi phạm nghiêm trọng tố tụng?

Ngoài ra, luật sư Triển cũng cho hay, trong các bút lục của hồ sơ vụ án có một biên bản thống nhất giữa điều tra viên và kiểm sát viên về việc bị cáo Khánh phạm tội “Hủy hoại rừng”. Việc 2 cơ quan thống nhất bàn bạc để kết tội đối với bị cáo Nguyễn Trọng Khánh, theo luật sư Triển đây là việc vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Vào 15h ngày 14/5/2024, TAND huyện Quang Bình sẽ tuyên án sau khi nghị án kéo dài. Ảnh: Công Phương.

Vào 15h ngày 14/5/2024, TAND huyện Quang Bình sẽ tuyên án sau khi nghị án kéo dài. Ảnh: Công Phương.

“Hai cơ quan trên phải hoạt động độc lập, chứ không thể có việc cả 2 cùng thống nhất để kết tội bị cáo Nguyễn Trọng Khánh”, luật sư Trần Đình Triển nói.

Tiếp tục phần bào chữa, luật sư Trần Đình Triển cho biết, đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa Vũ Hồng Quân và Nguyễn Trọng Khánh, trong cuộc nói chuyện đó, anh Quân có nói rằng: "Tôi đã gặp anh Công và anh Tho (Công an huyện Quang Bình thời điểm đó - PV), tôi đã lo đủ cho ông", là dấu hiệu không bình thường, luật sư đề nghị cần làm rõ vấn đề trên.

Luật sư Triển cũng cho biết, có nhiều dấu hiệu bất bình thường trong vụ án, khi có nhiều biên bản bị thất lạc, biên bản xác nhận “đất rừng sản xuất” mà anh Khánh đã nộp cho Văn phòng đất đai huyện Quang Bình, biên bản kiểm tra của UBND xã Tân Bắc… Trách nhiệm của cơ quan điều tra công an huyện Quang Bình, của Văn phòng đăng ký đất đai huyện Quang Bình đến đâu.

Cũng theo luật sư Triển, cần làm rõ số tiền của ông Vũ Hồng Quân. Cáo trạng xác định Quân không có lợi gì, là người bị thiệt hại. Tuy nhiên, điều đấy là không đúng, bởi số tiền trên không phải là của ông Quân, mà tiền đấy là tiền của ông Đinh Văn Chiến và Nguyễn Đức Dụ, ông Chiến đã chuyển cho Quân 2,1 tỷ đồng, còn ông Dụ chuyển cho Quân 570 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy được Quân là người được hưởng lợi rất lớn trong việc này. Tại sao cơ quan điều tra không làm rõ các số tiền trên của Vũ Hồng Quân.

Luật sư cũng cho biết, một số nhân chứng cho biết, trước khi xảy ra vụ chặt rừng trên, thì trên khu đất trên cũng đã có người chặt phá. Đồng thời, nhóm người chặt phá còn khai báo rằng khi phá, những cây trên 25 vanh vẫn để lại. Vậy, cây biến mất khi khám nghiệm hiện trường là do đâu, vì sao lại đổ hết lên cho Nguyễn Trọng Khánh?

Cùng trình bày quan điểm tại tòa, luật sư Cao Xuân Bé, Văn phòng Luật sư Cao Xuân Bé, Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Khánh cho rằng bị cáo Khánh không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và mình bị oan là có căn cứ, cơ sở. Hành vi của Nguyễn Trọng Khánh không phù hợp với mô tả trong cấu thành tội "Hủy hoại rừng",

TAND huyện Quang Bình đưa UBND huyện Quang Bình tham gia với tư cách nguyên đơn dân sự là không đúng, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Tại phiên tòa, ở phần xét hỏi được xác định rõ, mặc dù UBND tỉnh Hà Giang có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và ba loại rừng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2022 nhưng chưa được tổ chức thực hiện theo Điều 2 của quyết định.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, các địa phương và các chủ rừng tiến hành bàn giao kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và ba loại rừng. Các chủ rừng không biết đất của mình nằm trong quy hoạch và thuộc loại rừng nào.

Do vậy, việc xác định mục đích sử dụng đất là cho sản xuất lâm nghiệp trên đất có rừng cần áp dụng văn bản số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSNDTC giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS – TTHS năm 2015 và thi hành án hình sự.

"Cáo trạng nêu rõ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Quang Bình để thất lạc tài liệu quan trọng liên quan đến hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng nhưng không nêu rõ nguyên nhân liệu đây có phải là hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến làm oan sai hoặc khép tội người khác hay không", luật sư Bé nêu quan điểm.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-nhung-bat-thuong-380328.html