Có nên quy định 'cứng', tuyệt đối về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông?

Thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm tạo hành lang pháp lý về lĩnh vực này, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn. Một số ý kiến góp ý về việc có nên quy định cứng nhắc, tuyệt đối về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay không?

Nghiên cứu bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe

Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Nêu thực trạng này, ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, một phần nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, hậu quả về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ là nhất thời, chưa đủ sức răn đe. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; xem xét áp dụng biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm hành chính như một biện pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông. Đây là biện pháp "đánh trực tiếp" vào ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe bị trừ số điểm nhất định, vi phạm nhiều lần, lái xe sẽ bị trừ nhiều lần trên giấy phép lái xe cho đến khi bị tước giấy phép lái xe… Biện pháp này sẽ buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có ý thức về số điểm trên giấy phép lái xe của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm. Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, theo xu thế chuyển đổi số và việc liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu, các cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, nắm bắt được nhiều thông tin khác nhau phục vụ công tác quản lý. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo đảm tính chính xác, minh bạch, kịp thời trong trừ điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, điểm của giấy phép lái xe cũng có thể được sử dụng như một trong các tiêu chí xem xét khi tuyển dụng lao động làm lái xe.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến việc bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh, đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu vấn đề, theo số liệu thống kê tại hội nghị chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh, mỗi năm có khoảng 500 học sinh tử vong, 800 học sinh bị thương do tai nạn giao thông. Chỉ rõ đây là con số không hề nhỏ, đại biểu cũng khẳng định, trách nhiệm của các nhà lập pháp là phải hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực công tác bảo đảm an toàn gia thông đối với học sinh. Thực tế hiện nay, không khó bắt gặp tình trạng mỗi khi tan trường, khu vực cổng trường nhốn nháo, tình trạng học sinh đi bộ tràn ra lòng đường, không chú ý quan sát; nhiều học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy có phân khối lớn đến trường. Vấn đề này có nguyên nhân do ý thức của học sinh trong chấp hành quy định tham gia giao thông và sâu xa hơn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng và toàn xã hội trong việc giáo dục các em về kiến thức, ý thức an toàn giao thông và tự bảo vệ mình. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của các ngành, cơ quan liên quan trong việc trang bị kiến thức, ý thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, đại biểu đề nghị.

Đồng tình với quan điểm cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu thực trạng, phần lớn nguyên nhân gây ra tại nạn giao thông đều do lỗi của con người. Thống kê cho thấy, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Do đó, việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, văn hóa khi tham gia giao thông cần được tăng cường hơn nữa. "Bên cạnh việc nghiêm cấm, xử phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm, thì quan trọng hơn là cần chú trọng hơn tới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chấp hành luật lệ giao thông", đại biểu nói.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trong dự thảo Luật đã dành Điều 6 quy định về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các nội dung trong điều luật này đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng chưa quy định trách nhiệm của công dân trong học tập, quán triệt để nâng cao hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Để việc nâng cao nhận thức, văn hóa tham gia giao thông cho người dân, theo đại biểu Tô Văn Tám, cần nỗ lực từ hai phía, một là từ các cơ quan, tổ chức trong tuyên truyền, vận động và hai là mỗi cá nhân, mỗi công dân phải có ý thức tự giác tìm hiểu luật lệ giao thông; có như vậy mới mang lại hiệu quả.

Quy định hợp lý việc cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu

Về các hành vi bị nghiêm cấm, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm. So với quy định tại khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ hiện hành (nghiêm cấm hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở), quy định trong dự thảo Luật lần này đã mở rộng đối với tất cả người điều khiển các phương tiện giao thông nói chung.

ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thống nhất với quy định như dự thảo Luật, ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, trong thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, tạo được niềm tin rất lớn trong cử tri và Nhân dân. Vì vậy, cần tiếp tục có quy định "xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành, nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật để làm gương cho nhân dân, tăng thu ngân sách từ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn", đại biểu đề nghị.

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tán thành với giải trình của Chính phủ về quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông nghiêm trọng, song ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cũng nêu rõ, trên thực tế quy định này cũng có mặt "chưa phù hợp" cả dưới góc độ của văn hóa, tập quán, sinh hoạt của người Việt Nam cũng như góc độ sinh học, người kiểm soát và người tham gia giao thông. Vì thế, cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn cũng như căn cứ khoa học và tính khả thi.

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Tô Văn Tám cho biết, cử tri còn băn khoăn về quy định này. Đồng tình với việc cần xử phạt những hành vi uống rượu gây tai nạn giao thông, song nên quy định việc cấm người điều khiển phương tiện uống rượu đến mức nào đó, vì thực tế cho thấy rượu, bia và nồng độ cồn chỉ có hại khi uống quá, còn nếu chưa quá thì chưa nguy hiểm. Các ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long), Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu)... đề nghị, không nên quy định "cứng nhắc", "tuyệt đối" về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà nên quy định theo hướng "có giới hạn nhất định" về nồng độ cồn trong máu, hơi thở và khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/co-nen-quy-dinh-cung-tuyet-doi-ve-nong-do-con-khi-dieu-khien-phuong-tien-tham-gia-giao-thong--i351543/