Cơ hội vàng của Australia

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, là những ưu tiên hàng đầu nhằm hạn chế những ảnh hưởng biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia, trong đó có Australia. Để đẩy nhanh mục tiêu trở thành siêu cường năng lượng tái tạo trên thế giới, Australia đã phân bổ ngân sách hàng năm đầu tư mạnh trong lĩnh vực này.

Trang trại điện gió tại Australia. Ảnh: ENGINE

Trang trại điện gió tại Australia. Ảnh: ENGINE

Với bề dày thành tựu trong lĩnh vực môi trường, Australia chú trọng phát triển kinh tế xanh từ sớm, cùng cam kết giảm lượng khí thải xuống 43% so với năm 2005 vào năm 2030, và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ Australia cho biết, thặng dư ngân sách đang trên đà đạt 6 tỷ USD trong năm nay. Do đó, không thể bỏ qua nhu cầu phát triển về năng lượng sạch, vì đây là “cơ hội vàng” để gia tăng việc làm và thịnh vượng cho Australia.

Trọng tâm của ngân sách là chương trình “Made in Australia” nhằm thúc đẩy năng lượng sạch trong nước và các ngành sản xuất tiên tiến. Chính phủ sẽ đầu tư 15 tỷ USD vào sản xuất pin mặt trời, nhiên liệu carbon thấp, giảm thuế cho các khoáng sản quan trọng và các lĩnh vực ưu tiên khác. Được thiên nhiên ưu đãi, Australia có nhiều nắng và các bờ biển lộng gió cùng trữ lượng kim loại và khoáng sản quý hiếm dồi dào. Nước này có tiềm năng điện mặt trời đứng thứ hai thế giới với hơn 3 triệu hộ gia đình (khoảng 30%) có điện mặt trời trên mái nhà. Chi phí sản xuất điện mặt trời của Australia thấp thứ ba trong số các nhà sản xuất điện mặt trời lớn. Theo dữ liệu từ báo cáo của Hội đồng Năng lượng sạch Australia, 2022 là năm kỷ lục về sản xuất năng lượng tái tạo của Australia, 35,9% tổng sản lượng điện của quốc gia này là từ các nguồn năng lượng tái tạo (tăng từ 32,5% năm 2021)

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Australia vẫn đang phải chật vật để đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào quặng sắt, than đá và khí đốt vốn là những mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của nước này. Theo báo cáo ngân sách, chỉ riêng quặng sắt đã chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của Australia trong năm ngoái.

Trước đó, Chính phủ Australia quyết định cấp 840 triệu AUD (550 triệu USD) để xây dựng nhà máy lọc và khai thác đất hiếm kết hợp đầu tiên. Đây là một bước tiến đối với ngành khai thác đất hiếm và khoáng sản quan trọng của Australia. Mỏ khai thác và nhà máy lọc đất hiếm do công ty thăm dò khoáng sản Arafura của Australia điều hành. Khoản đầu tư mang tính đột phá nêu trên được kỳ vọng sẽ đưa Australia trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất đất hiếm một cách bền vững.

Chính phủ Australia do Công đảng lãnh đạo đang tập trung đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Các dự án năng lượng tái tạo trước đây đã chững lại trong nhiều năm do các chính sách về khí hậu trì trệ, giờ đây được chú trọng đầu tư đáng kể. Trong “lộ trình xương sống” để Australia có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Quốc hội Australia đã thông qua luật chính sách khí hậu mới, trong đó áp đặt mức giới hạn phát thải đối với những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất tại Australia. Theo báo cáo “Triển vọng Năng lượng thế giới năm 2022” của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Australia được dự báo sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng lớn thứ hai thế giới về hydro phát thải thấp vào năm 2030 và đạt vị trí dẫn đầu vào năm 2050.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-hoi-vang-cua-australia-post740070.html