Cơ hội thúc đẩy hợp tác và thể hiện vai trò trong cộng đồng quốc tế

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc sau hai ngày thảo luận với tuyên bố chung đề cập đến các vấn đề nóng đang diễn ra trên toàn cầu. Hội nghị không chỉ là phép thử với Nhật Bản khi đảm nhận vai trò Chủ tịch G7, mà còn là cơ hội để các nước thúc đẩy hợp tác, thể hiện vai trò trong các vấn đề toàn cầu.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này có sự tham dự của các Ngoại trưởng Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italy và quan chức Liên minh châu Âu (EU). Sự kiện diễn ra trong bối cảnh toàn cầu liên tục phải đối mặt với những thách thức lớn như căng thẳng Israel-Hamas, khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, hay những thách thức tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo (AI).

Trước những thách thức này, các Ngoại trưởng xem hội nghị lần này là cơ hội để đại diện các nước G7 tìm kiếm tiếng nói chung và giải pháp đồng thuận về loạt vấn đề trên. Hướng tới một thế giới hòa bình và phát triển cho người dân. Đây là lần thứ hai trong năm nay các ngoại trưởng G7 nhóm họp tại Nhật Bản, sau cuộc họp hồi tháng 4 tại tỉnh Nagano.

Những vấn đề nổi cộm

Trong các phiên thảo luận chính, nước chủ nhà Nhật Bản đã bao quát 3 cục diện chính đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay, đó là tình hình Trung Đông, tình hình châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các Ngoại trưởng hướng tới thảo luận về các biện pháp làm sao có thể ngăn chặn cuộc xung đột Israel-Hamấm, cũng như bảo đảm môi trường thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Về phía Nhật Bản, trước khi hội nghị diễn ra, Ngoại trưởng Kamikawa Yoko đã có chuyến thăm tới Trung Đông, khẳng định lo ngại về nguy cơ nhân đạo tại dải Gaza, và cam kết sẽ gia tăng viện trợ nhân đạo khoảng 65 triệu USD cho khu vực này. Bên cạnh đó, đáng chú ý là chủ nhà Nhật Bản đã gửi lời mời đại diện loạt nước Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này. Không chỉ các nước G7, mà hàng loạt các nước khác trên thế giới bao gồm Trung Quốc đang quan tâm tới khu vực này và mời gọi đầu tư, hợp tác. Vì các nước này có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, urani, vàng và các tài nguyên khác.

Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc đều đã gặp lãnh đạo các quốc gia này trong năm nay. Riêng Nhật Bản thì muốn nắm bắt cơ hội có nguồn cung dầu mỏ và khí đốt để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến có chuyến thăm khu vực này trong năm 2024. Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Kamikawa đã gặp người đồng cấp Kazakhstan Murat Nurtleu để mở đường cho chuyến đi của Thủ tướng Kishida Fumio.

Hiện tại, Trung Quốc đang thực hiện lộ trình vành đai con đường. 5 nước Trung Á này có vị trí chiến lược trong lộ trình đó. Còn Nhật Bản và Mỹ cũng đang xúc tiến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, duy trì lập trường lập lại trật tự thế giới. Hai mục đích này có những quan điểm khác nhau, nên đều mong muốn có được sự đồng thuận từ các nước Trung Á. Chính vì vậy, Nhật Bản và các nước trong Nhóm G7 mong muốn tạo ra một sức mạnh tổng hợp từ nhiều phía.

Thúc đẩy phát triển công nghệ AI an toàn và tin cậy

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra hồi tháng 5, các nước đã nhất trí sáng kiến với tên gọi “Tiến trình AI Hiroshima” với mục địch xây dựng các quy định quốc tế về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trên thực tế, giữa các nước G7 đang có sự khác biệt lớn trong quy định đối với AI. Trong bối cảnh xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ, các nước G7 bắt buộc phải đi đầu về vấn đề này. Và với tư cách nước Chủ tịch G7, Nhật Bản đã tiên phong thực hiện sáng kiến này trong chính quốc gia của mình, với mục đích cải thiện tăng trưởng kinh tế và môi trường sống của người dân.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, các Ngoại trưởng đã thảo luận cụ thể hơn về sự vận dụng AI nằm trong khuôn khổ luật pháp và dựa trên sự thống nhất của các thành phần kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp, rủi ro của chính AI mang lại, cũng như các biện pháp ứng phó. Vì mỗi quốc gia có những đặc trưng riêng, trình độ về AI, sự vận dụng khác nhau nên có những quan điểm khác nhau. Còn quy định quốc tế với mục đích chính là tạo ra mạng lưới hợp tác của G7 với các đối tác bên ngoài là chính, còn mỗi thành viên trong G7 thì có chính sách về phát triển AI riêng.

Trong nhiều tháng qua, các thành viên G7 đã thảo luận về sự cần thiết áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để kiểm soát các mô hình công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng như ChatGPT do OpenAI phát triển. Và mới đây, các nước G7 đã nhất trí về các nguyên tắc hướng dẫn và một Bộ quy tắc Ứng xử cho những nhà phát triển các dạng Trí tuệ Nhân tạo (AI) tiên tiến. Bộ quy tắc Ứng xử gồm 11 điểm cung cấp hướng dẫn quản lý công nghệ AI, bao gồm những hệ thống AI tiên tiến nhất và hệ thống AI tạo ra, và được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, nhằm đảm bảo thúc đẩy sự phát triển công nghệ AI an toàn và đáng tin cậy. Bộ quy tắc Đây là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan như thông tin sai lệch và những lo ngại về quyền riêng tư.

Tuyên bố chung về nhiều vấn đề

Tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết, các thành viên G7 khẳng định sự cấp bách phải "hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo" tại vùng đất Palestine. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa gọi tuyên bố chung là thành tựu đáng kể để G7 đóng một vai trò có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bà Kamikawa nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Trung Đông đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản.

Theo đó, các Ngoại trưởng nhóm G7 đã nhất trí kêu gọi thiết lập khoảng dừng hoặc hành lang nhân đạo trong cuộc xung đột Hamas – Israel, nhằm tạo điều kiện cho những hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, hoạt động di chuyển dân sự và trả tự do cho các con tin. Hơn nữa, G7 cam kết phối hợp chặt chẽ với các bên hướng đến các giải pháp lâu dài, bền vững cho Gaza. Các Ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước, bảo đảm cho cả người dân Palestine và Israel được chung sống trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau. Đây vẫn là con đường duy nhất để đạt được nền hòa bình ổn định và lâu dài.

Về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các Ngoại trưởng G7 đã nhất trí duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên quy định của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng sẽ không được chấp nhận ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. G7 bày tỏ sự ủng hộ dành cho một ASEAN trung tâm và đoàn kết, thúc đẩy hợp tác với phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đồng thời nhắc lại cam kết hỗ trợ cơ sở hạ tầng bền vững, toàn diện và chất lượng ở các nước đối tác, thông qua quan hệ đối tác G7 về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu.

Về quan hệ với Trung Quốc, các ngoại trưởng G7 nhất trí việc thiết lập quan hệ ổn định và xây dựng với Trung Quốc, và khẳng định sự hợp tác với Trung Quốc là cần thiết, để đối phó với các thách thức toàn cầu cũng như các lĩnh vực có lợi ích chung. G7 nhấn mạnh rằng, với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ kinh tế bền vững với Trung Quốc và tăng cường hệ thống thương mại quốc tế, G7 cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy môi trường bình đẳng. Đồng thời khẳng định cách tiếp cận chính sách của khối không có bất kỳ mục đích gây hại, cũng như không tìm cách cản trở sự tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng tăng, sự đa dạng hóa và việc mở rộng các tuyến thương mại ở các nước Trung Á không chỉ mang lại tăng trưởng kinh tế cho khu vực, mà còn có tiềm năng cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả an ninh năng lượng. G7 cam kết thúc đẩy liên kết thương mại và năng lượng, kết nối và giao thông bền vững, bao gồm Hành lang Trung Á và các dự án liên quan để tăng cường khả năng phục hồi của khu vực. Và hoan nghênh việc tăng cường hợp tác khu vực và giao lưu nhân dân. Quyết tâm tăng cường hợp tác với các nước Trung Á để giải quyết các thách thức khu vực.

Tại Hội nghị lần này, Nhật Bản được xem đã đạt được thành công nhất định trong việc điều phối và hoàn thành các mục tiêu của hội nghị, thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên để đưa ra tuyên bố chung, hướng tới giải pháp cho các vấn đề nóng đang diễn ra trên toàn cầu. Các ngoại trưởng cũng G7 cam kết xây dựng hơn nữa tình đoàn kết quốc tế ngoài G7 để giải quyết các thách thức toàn cầu rộng lớn hơn, như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân và bình đẳng giới, bao gồm chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/co-hoi-thuc-day-hop-tac-va-the-hien-vai-tro-trong-cong-dong-quoc-te-i349414/