Cơ hội khi Việt Nam tham gia Hiệp định về biển cả

Ngày 20/9/2023 (giờ New York, Mỹ), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về biển cả). Đây là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gen biển tại các vùng biển quốc tế. Là một trong những nước đầu tiên ký hiệp định này, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới và được hưởng lợi về nhiều mặt.

Với việc ký kết Hiệp định về biển cả, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa". Ảnh: Bích Nguyên

Với việc ký kết Hiệp định về biển cả, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa". Ảnh: Bích Nguyên

Cơ hội mới cho Việt Nam

Các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia (ngoài 200 hải lý) chiếm khoảng 2/3 diện tích đại dương thế giới, nhưng đến nay, chỉ khoảng 1,2% được bảo vệ và chỉ 0,8% được bảo vệ ở mức độ cao. Vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia (ABNJ) hay còn gọi là biển cả (High sea) là di sản chung của loài người, nên các quốc gia có biển và không có biển, về nguyên tắc, đều có quyền hưởng dụng. Tuy nhiên, trong thực tế, do sự chênh lệch rất lớn về hiểu biết và trình độ khoa học - công nghệ biển nên chỉ có các nước phát triển có nền khoa học-công nghệ biển tiên tiến, hiện đại mới có thể ra khai thác, hưởng dụng nguồn tài nguyên quý giá này. Cho nên, tồn tại những nhóm lợi ích đan xen liên quan tới vấn đề bảo tồn và sử dụng công bằng đa dạng sinh học biển ở các vùng ABNJ giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa các nước có biển và không có biển.

Nhận diện rõ thách thức, khó khăn nói trên nên ngay từ năm 2004, Liên hợp quốc đã thành lập các nhóm công tác đặc biệt để thảo luận về việc bảo vệ sinh vật đại dương. Đến năm 2015, tổ chức này đã thông qua nghị quyết phát triển thỏa thuận ràng buộc pháp lý về đại dương. Sau đó, Liên hợp quốc cho triển khai 4 dự án lớn và sau nhiều năm chuẩn bị, các cuộc đàm phán đã bắt đầu một cách nghiêm túc và trực tiếp giữa các Chính phủ của 193 quốc gia thành viên. Vượt qua những thách thức sau gần 20 năm dài đàm phán, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí ký kết Hiệp định về biển cả.

Hiệp định này là “bước đột phá” trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển/đại dương ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học, trong đó có hoạt động của nghề cá trên phạm vi rộng lớn của các đại dương - nơi được xem là di sản tự nhiên của loài ngoài.

Là một thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia tích cực trong khâu chuẩn bị các văn kiện, đương nhiên, Hiệp định về biển cả này ra đời sẽ đem lại cơ hội mới cho đất nước ta. Trước hết, Hiệp định về biển cả là một văn kiện ràng buộc pháp lý để tạo thuận lợi cho các quốc gia có sự chênh lệch về nhiều mặt được quyền hưởng thụ công bằng các nguồn gen quý từ đại dương. Thứ hai, đây là cơ hội để nước ta hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, vươn ra “biển lớn” để tham gia hưởng lợi nhiều nhất các giá trị mà Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Hiệp định bổ sung này quy định. Thứ ba, Hiệp định này sẽ tạo thêm động lực để nước ta đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đại dương - một lĩnh vực nước ta còn yếu trong khi nhu cầu thực tiễn ngày càng tăng.

Thứ tư, thông qua Hiệp định này, chúng ta có cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển, cùng với khoa học và công nghệ biển sẽ tạo đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ năm, Việt Nam có cơ hội để phát triển một số ngành kinh tế đại dương phù hợp với nhu cầu và bối cảnh quốc tế, khu vực. Thứ sáu, Hiệp định tạo ra và khuyến khích những cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển. Đó là những cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Nếu tuân thủ UNCLOS năm 1982 thì trong Biển Đông tồn tại một vùng ABNJ của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do có những tuyên bố đơn phương, phi lý về yêu sách “Đường chín đoạn” mà vô hình trung, Trung Quốc đã không thừa nhận có vùng biển này. Điều phi lý này đã đẩy căng thẳng về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông lên mức phức tạp, khó lường. Và Hiệp định về biển cả này sẽ cung cấp cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, các căn cứ pháp luật để củng cố nhận thức và cùng nhau xem xét, loại bỏ những yêu sách phi lý; lập lại trật tự, giữ vững môi trường hòa bình và các giá trị đích thực của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Rõ ràng, Hiệp định về biển cả sẽ tạo thêm nền tảng cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích biển khác của nước ta trong khu vực Biển Đông.

Ngư dân Bình Định đánh bắt và thu mua cá trên biển. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân Bình Định đánh bắt và thu mua cá trên biển. Ảnh: Văn Chương

Biến cam kết quốc tế thành hành động ở cấp quốc gia

Để đón đầu cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị, cho toàn xã hội để tìm được sự đồng thuận cao nhất về vấn đề này. Cũng cần duy trì “nhiệt huyết” và kinh nghiệm từ quá trình đàm phán để thực sự biến cam kết quốc tế thành hành động ở cấp quốc gia, “hứa là làm” để nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong thế giới đại dương toàn cầu, xứng đáng là một quốc gia biển có trách nhiệm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và tổ chức, địa phương liên quan phải chuẩn bị các phương án (kịch bản) để tích cực và chủ động tham gia bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia trong Biển Đông và ngoài vùng biển quốc tế.

Cùng với đó, chúng ta cần đánh giá đúng tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG14) về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương; cũng như chuẩn bị phát triển nghề cá viễn dương với đội hình ra biển có tổ chức, đủ mạnh và hiện đại. Đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ về quản trị biển, về khoa học - công nghệ biển có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết, tư vấn các vấn đề quy định trong Hiệp định về biển cả. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn áp dụng các biện pháp “mạnh” để chuyển từ nghề cá nhỏ, truyền thống sang nghề cá thương mại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có khả năng hội nhập quốc tế cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-hoi-khi-viet-nam-tham-gia-hiep-dinh-ve-bien-ca-post472337.html