Cô giáo trẻ truyền cảm hứng giáo dục STEM cho trẻ em nông thôn, vùng cao

Là giáo viên đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng 'Power of Radiance Awards - Tỏa sáng sức mạnh tri thức' trị giá 100.000 USD do UNICEF đề cử vì những đóng góp cho trẻ em gái tại Việt Nam thông qua giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học), cô giáo Đào Thị Hồng Quyên đã và đang nỗ lực từng ngày nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách giới và trao cơ hội để trẻ em gái thành công trong thế giới số .

PV: Sau khi nhận giải thưởng “Power of Radiance”, chị đã làm gì?

- Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên: Thời gian qua, tôi đi tập huấn cho giáo viên STEM vùng cao và nông thôn, trang bị robot cho các trường xuất sắc hoặc khó khăn, tổ chức truyền thông về STEM cho phái nữ.

Đây là mong muốn trong cuộc đời của tôi. Xuất thân từ nông thôn và hiện tại tôi vẫn ở nông thôn nên rất hiểu những khó khăn và tiềm năng mà khu vực này mang lại.

Đào Thị Hồng Quyên và CLB STEM Chi Lăng (Lạng Sơn).

Trong nhiều năm giảng dạy STEM cho học sinh, chị nhận thấy STEM đã tác động tích cực đến các em như thế nào?

- Tôi thấy các em học sinh rất tự tin chia sẻ những vấn đề mà các em gặp phải trong các hoạt động STEM như thiết kế kĩ thuật hay khám phá khoa học. Điều này khác với việc các em chỉ luyện giải đề.

Các em cũng thảo luận nhiều hơn và tương tác học thuật với nhau nhiều hơn. Về lâu dài, kiến thức và kĩ năng mà giáo dục STEM mang lại giúp học sinh có tinh thần đổi mới sáng tạo, tạo sức mạnh mềm cho quốc gia.

Ở nông thôn và miền núi, giáo dục STEM đôi khi chưa thực sự được quan tâm đúng mức, theo chị, chúng ta cần làm gì để STEM có được một vị trí xứng đáng hơn trong giáo dục trường học?

- Tôi nhận thấy rằng, tất cả các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục đều rất muốn tạo cơ hội cho học sinh, muốn các em được thử sức trên nhiều lĩnh vực.

Không chỉ ở nông thôn, miền núi mà ở thành phố, một số trường cũng chưa quan tâm đúng mức tới việc đưa giáo dục STEM. Dựa trên mục tiêu của nhà
trường mới có thể xem STEM sẽ nằm ở đâu.

Có thể kể đến một vài gợi ý đưa STEM vào trường học như: tăng cường truyền thông về STEM, cơ hội nghề nghiệp từ STEM, xây dựng cộng đồng về giáo dục STEM, đẩy mạnh sự phát triển của hệ sinh thái giáo dục STEM...

Theo chị, đâu là những rào cản khiến cho STEM khó tiếp cận trẻ em gái ở Việt Nam?

- Nhiều phụ huynh và cả một số giáo viên cho rằng STEM không phù hợp lắm với nữ giới. Truyền thông về nghề nghiệp STEM còn khá hạn chế, ví dụ, khi nói tới kĩ sư người ta hay nghĩ tới kĩ sư cầu đường hay kĩ sư dân dụng nhưng ngày nay còn có kĩ sư môi trường, kĩ sư công nghệ sinh học, kĩ sư prompt (trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo)…, những ngành nghề STEM đã mở rộng rất nhiều.

Thêm vào đó, quan niệm về người phụ nữ, trẻ em gái không cần học hành nhiều cũng là một trong những rào cản khiến STEM khó đến gần với trẻ em gái Việt Nam.

Vậy theo chị, các bậc cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ và tạo điều kiện cho con nghiên cứu và thực hành STEM?

- Triết lý STEM của chúng tôi (Liên minh STEM) có 5 “người thầy” sẵn có về giáo dục STEM, đó là Thiên nhiên, Khó khăn, Lao động, Văn hóa cộng đồng và Chuyển đổi số - Internet.

Phụ huynh học sinh và giáo viên có thể khai thác 5 “người thầy” này để giúp con học STEM mà không tốn kém. Ví dụ, với “người thầy” là Lao động, trẻ được làm việc nhà, được dạy cách dùng nguyên liệu, nấu ăn, làm bếp tự nhiên sẽ hình thành kĩ năng về mặt kĩ thuật mà rất nhiều hoạt động STEM hướng tới.

Giáo dục STEM: Phá vỡ định kiến, trao cơ hội thành công cho trẻ em gái vùng cao.

Làm như vậy, nhà trường không mất công dạy lại, luyện lại những kĩ năng
này. Hoặc như “người thầy” Thiên nhiên, khi cha mẹ cùng con đi đâu đó, có thể đặt các câu hỏi để khích lệ trí tò mò của trẻ, hoặc khuyến khích trẻ đặt câu hỏi bằng cách lắng nghe con…

Ví dụ, nhìn thấy tổ ong vò vẽ, cha mẹ có thể hỏi trẻ: Vật liệu xây dựng tổ làm bằng gì? Tổ hình gì để giảm tác động vật lý từ gió bão? Đường giao thông trong tổ được thiết kế như thế nào?...

Chị có thể chia sẻ về những việc mình đang làm cùng UNICEF để xóa bỏ khoảng cách giới, trao cơ hội cho các bé gái trong lĩnh vực STEM?

- Hiện nay, tôi vẫn đang làm các hội thảo STEM cho học sinh (60% trở lên
là nữ), đồng thời hỗ trợ cho nữ sinh khó khăn và học sinh khuyết tật.

Được biết, ngoài STEM chị từng khởi nghiệp với nông nghiệp sạch?

- Tôi đã từng khởi nghiệp một lần với nông nghiệp sạch nhưng thất bại. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi nông nghiệp bên cạnh STEM.

Khi làm nông nghiệp, tôi mới ý thức rõ khoảng cách rất lớn giữa nhà trường và đời sống sản xuất thực tế. Kiến thức học tập ở trường (mà tôi vừa là người được học, vừa đi dạy học sinh) cả về khoa học và kinh tế vẫn là kiến thức phổ thông và cần được cụ thể hóa đối với từng địa phương.

Điều này càng thôi thúc tôi trong việc triển khai giáo dục STEM ở các vùng nông thôn, làm sao để trẻ em ở nông thôn được tiếp cận với STEM và sử dụng nó trong đời sống hàng ngày, sau này có thể phát triển kinh tế và làm chủ quê hương.

Cô Đào Thị Hồng Quyên (giữa) nhận giải thưởng Power of Radiance 2023 (Ảnh: Power of Radiance 2023).

Đào Thị Hồng Quyên sinh ra tại Nam Định, hiện đang là giáo viên THCS tại Hà Nội. Chị từng là sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ khi tốt nghiệp đến nay, chị đã có hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực STEM.

Chị từng đoạt giải Ba cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin với dự án Nói không với thuốc lá; Giải Nhất cuộc thi SL – STEM (Service Learning STEM);… chị đã tham gia Chương trình tập huấn giáo viên STEM tại Trung tâm tên lửa và vũ trụ Hoa Kỳ – NASA.

Năm 2022, chị là 1 trong 5 giáo viên xuất sắc giành được học bổng danh giá Fulbright Teaching Excellence Award (Hoa Kỳ).

Hiện tại, chị hoạt động tích cực trong cộng đồng giáo viên STEM, tổ chức các hội thảo, tập huấn STEM, đồng thời trau dồi tiếng Anh để tham gia chương trình Fulbright.

Thanh Huyền (thực hiện)

Chuyên san Vì trẻ em số 8

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/co-giao-tre-truyen-cam-hung-giao-duc-stem-cho-tre-em-nong-thon-vung-cao-20240427182627009.htm