Chuyện về các nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh

Được truyền đam mê với nhiếp ảnh từ người bạn đời, các nữ nhiếp ảnh gia đã vượt qua khó khăn để gắn bó với bộ môn nghệ thuật này. Qua góc nhìn của người phụ nữ, các nữ nhiếp ảnh gia đã cống hiến cho đời nhiều tác phẩm đẹp.

Vợ chồng nhiếp ảnh gia Hoàng Thùy Hương - Lê Văn Hòa. Ảnh: H.Yến

Ban Nhiếp ảnh (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) hiện có 4 hội viên nữ. Tuy gặp nhiều khó khăn hơn so với các đồng nghiệp nam nhưng các nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh này vẫn kiên trì theo đuổi đam mê.

* Tiếp nối đam mê

Chị Hoàng Thùy Hương (xã La Ngà, H.Định Quán) là một trong số nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh hiếm hoi của Đồng Nai. Đây vốn không phải là đam mê của chị nhưng khi kết hôn và sinh sống cùng chồng là nhiếp ảnh gia Lê Văn Hòa, chị đã đồng hành với anh trong công việc rồi dần yêu thích và theo đuổi bộ môn nghệ thuật này.

Chị Thùy Hương kể: “Hai vợ chồng tôi có tiệm ảnh Lê Hòa ở gần cầu La Ngà. Ban đầu, việc theo đuổi nghề nhiếp ảnh có nhiều khó khăn vì chụp bằng máy cơ, phải nắm được kỹ thuật, biết cách chỉnh khẩu độ, tốc độ thì mới chụp được tấm ảnh đạt yêu cầu. Việc chơi ảnh nghệ thuật còn khó khăn hơn nữa”.

Theo nữ nhiếp ảnh gia này, cái khó của việc chụp ảnh bằng máy ảnh phim là phải quan sát ánh sáng, môi trường để chỉnh được tốc độ, khẩu độ phù hợp. Ảnh chụp bằng máy phim cũng không thể chỉnh sửa được như ảnh kỹ thuật số mà chỉ có thể rọi đậm hoặc nhạt hơn.

Chị Hoàng Thùy Hương cho các con làm quen với việc chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh từ khi còn học tiểu học. Hiện nay, người còn gái lớn của chị theo nghề thiết kế đồ họa, con trai thứ 2 theo nghề thương mại điện tử. Cả 2 nghề này đều ít nhiều sử dụng đến kiến thức, kỹ năng của nghề nhiếp ảnh.

“Thời còn chụp phim, mỗi lần đi sáng tác, chúng tôi phải đem theo hàng cây phim (mỗi cây phim có 5 cuộn). Gặp được khoảnh khắc đẹp, có khi bấm máy liên tục một lát là hết 1 cuộn phim. Mà chụp hết 1 cuộn như vậy chưa chắc đã có được tấm ảnh ưng ý. Vì vậy, có được một tấm ảnh nghệ thuật đẹp, được dự triển lãm là một niềm vui sướng” - chị Hương chia sẻ.

Theo chị Hương, ngoài đam mê, người làm nhiếp ảnh còn cần có tính kiên nhẫn. Chị kể: “Có lần đi về Phú Điền (H.Tân Phú), tôi thấy có một con chim đang làm tổ nhưng do không mang máy ảnh nên đã quay về rủ thêm các anh chị em trong hội đến để săn ảnh. Ngày hôm sau, chúng tôi quay lại, mỗi người chọn một góc, núp trong lùm cây để đợi chim tha cỏ về làm tổ. Cứ đợi chim bay đi, bay về như thế suốt cả buổi sáng, chụp xong hình thì cũng bị kiến và muỗi cắn đầy người. Chụp ảnh xong chúng tôi cùng nhau xem ảnh, bàn luận và chọn xem tác phẩm của ai đẹp nhất để gửi đi dự thi”.

Chị Hương cho rằng, điều quan trọng nhất của việc cùng nhau đi săn ảnh là được truyền thêm đam mê, nhiệt huyết; được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Trước khi đến với nghề nhiếp ảnh, bà Nguyễn Thị Tỉnh (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) làm nghề buôn bán. Chính người bạn đời của bà đã hướng dẫn, dìu dắt bà đến với công việc này.

Bà Tỉnh tâm sự: “Ngày xưa không như bây giờ, việc theo đuổi nghề chụp ảnh có nhiều khó khăn. Trước tiên là phải học và hiểu về máy ảnh. Trong khi đó, ngôn ngữ cài đặt của máy ảnh là tiếng Anh nên người chụp ảnh càng phải chịu khó học hỏi nhiều hơn”.

Ngày nay, muốn chụp các hình ảnh toàn cảnh, góc rộng thì nghệ sĩ nhiếp ảnh có thể dùng flycam nhưng trước đây thì có khi phải trèo lên nóc nhà mới có được góc chụp ưng ý. Quá trình đi sáng tác cũng đòi hỏi nhiều yếu tố về sức khỏe. Đây cũng là khó khăn của những người nữ khi theo nghề nhiếp ảnh.

* Đồng hành trong nghệ thuật

Nhớ về khoảng thời gian cùng chồng trong công việc, bà Tỉnh kể: “Cách đây khoảng 15 năm, khi Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh nhanh, tôi cùng chồng về Bến Gỗ, đi thuyền ra sông để chụp hình. Lúc đó, chúng tôi thấy có 1 chiếc máy bay lướt ngang qua chiếc sà lan gần đó. Cả 2 vợ chồng tôi cùng đưa máy lên chụp khoảnh khắc này. Lần đó, tôi chụp được bức ảnh đẹp hơn và đã được giải ba của cuộc thi”.

Đến nay, bà đã theo đuổi bộ môn nghệ thuật này được gần 30 năm. Ở tuổi ngoài 60, khi người bạn đời đã rời xa trần thế 10 năm nay, bà vẫn miệt mài gắn bó với công việc này và dành thời gian đi săn ảnh nghệ thuật.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Tỉnh

Còn chị Thùy Hương thì cho biết, sau khi được chồng hướng dẫn, chị đã tham gia CLB nhiếp ảnh rồi được kết nạp vào Ban Nhiếp ảnh. Chị đã cùng chồng tham gia các trại sáng tác, rong ruổi khắp nơi, từ miền Trung đến Tây nguyên, Tây Nam bộ…

Những năm đó, các con còn nhỏ, mỗi lần đi trại sáng tác ở xa, chị phải gửi các con cho bà ngoại chăm sóc, thuê xe ôm đưa đón các con đi học. Khi đi sáng tác, chị cũng phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng, nhịn đói để có thời gian săn ảnh.

Đồng hành với chồng trong công việc và quá trình sáng tác giúp chị tiến bộ trong nghề. Cũng nhờ đó, chị thấu hiểu hơn về công việc của người làm nghệ thuật để ủng hộ chồng theo đuổi đam mê. Chị Hương tâm sự: “Hai vợ chồng làm cùng nhau có nhiều thuận lợi. Không chỉ là thấu hiểu cho anh về mặt thời gian để đi sáng tác dài ngày, tôi còn hiểu và đồng hành cùng chồng khi sáng tác thể loại ảnh nude nghệ thuật. Là phái nữ, tôi có thể tiếp cận với mẫu ảnh để chỉnh sửa động tác, tư thế… Nếu không cùng nghề thì có lẽ khó có thể hiểu cho công việc này”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202310/chuyen-ve-cac-nu-nghe-si-nhiep-anh-a37515f/