Chuyện nghề của nhân viên Công tác xã hội

'Người tư vấn cần biết thấu cảm, chia sẻ, tận tâm để đối tượng cảm nhận được sự giúp đỡ của mình là chân thành, quan tâm họ thật lòng, từ đó họ sẵn sàng mở lòng, thay đổi hành vi của bản thân, sống có ích cho gia đình và xã hội…', đó là chia sẻ của những người làm Công tác xã hội (CTXH) tại Trung tâm CTXH và Quĩ Bảo trợ trẻ em (BTTE) Hà Nội.

Nhân viên Trung tâm CTXH và Quĩ BTTE Hà Nội tư vấn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng (Ảnh: Trung tâm CTXH cung cấp).

Nhân viên Trung tâm CTXH và Quĩ BTTE Hà Nội tư vấn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng (Ảnh: Trung tâm CTXH cung cấp).

Vào một buổi chiều mùa đông với cái lạnh như cắt vào da thịt, sau khi nghe xong cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm, chị Khuất Thị Thúy vội vàng cúp máy rồi vơ vội chiếc áo ấm phóng xe máy cùng với hai chiến sĩ công an đến hiện trường vụ việc.

Hôm đó là trường hợp người mẹ lang thang ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lợi dụng đứa con sơ sinh để xin tiền. Đến nơi, chị sững người, xót xa khi chứng kiến cảnh đứa trẻ sơ sinh với tấm áo mỏng manh trên người đang cùng mẹ lê la ở vỉa hè.

“Đứa trẻ tím tái vì lạnh, thương vô cùng nhưng mẹ nó thì luôn phản kháng, không hợp tác. Khi thấy đứa trẻ khóc lặng và ho rất nhiều, tôi không đành lòng nên bế đứa trẻ lên, lập tức bị người mẹ liên tục phỉ nước bọt vào mặt. Trước tình thế phản kháng dữ dội của đối tượng, hai chiến sĩ công an cũng hỗ trợ cùng, nhưng người mẹ luôn tay cào cấu vào người họ”, chị Thúy nhớ lại.

Xác định, đây không phải là một ca đơn giản, chị cùng hai chiến sĩ công an đã ngồi xuống trò chuyện cùng người mẹ. Trong câu chuyện, họ luôn phải nhấn mạnh về tình mẫu tử thiêng liêng để tư vấn thuyết phục đối tượng.

Cuối cùng thì người mẹ đã hiểu ra và hợp tác. Sau đó hai mẹ con được đưa về cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời.

Trên đường trở về, đang vui vì đối tượng đã được đưa đến Trung tâm, cháu bé cũng đã có một nơi ấm cúng, không còn bị mẹ lợi dụng kiếm tiền nữa, thì cũng là lúc chị Thúy nhận được thông tin người mẹ đó bị nhiễm HIV.

“Thú thật lúc đó, tôi bủn rủn cả người, tâm trạng rối bời. Vừa lo lắng cho bản thân, cho đứa trẻ sơ sinh, lo cho cả hai chiến sĩ công an bị cào cấu vào người, nguy cơ bị phơi nhiễm rất cao. Lúc đó, những câu hỏi và nỗi lo dồn dập khiến đầu tôi luôn nặng trĩu.

Nếu chẳng may bị phơi nhiễm thì con tôi ai nuôi dưỡng, rồi gia đình và công việc nữa, cuộc sống sẽ ra sao? Thậm chí không dám chia sẻ với chồng, tôi vội vàng lên mạng, đọc sách để tìm hiểu về việc lây nhiễm HIV.

Chỉ khi biết việc phỉ nước bọt không có nguy cơ bị lây nhiễm, tôi mới bớt lo lắng. Rất may là hai chiến sĩ công an cũng không bị phơi nhiễm, khi đó tôi mới thực sự thấy nhẹ nhõm”, chị Thúy xúc động kể lại.

Nhắc lại vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) hồi năm ngoái, giọng chị Thúy chùng lại, mọi sự đau thương, mất mát như đang hiện hữu, chị kể:

“Dịp đó, khi cùng các lãnh đạo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Trung tâm CTXH và Quĩ BTTE Hà Nội đến các bệnh viện, nhà tang lễ để thực hiện công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp, chứng kiến những gương mặt thất thần, sự tuyệt vọng, đau xót, cảnh tang tóc, ly tán mà lòng tôi quặn thắt, lặng lẽ giấu đi giọt nước mắt để động viên, chia sẻ với họ và chỉ biết cầu nguyện để họ nhanh bình phục, gắng gượng vượt qua nỗi đau không gì bù đắp nổi.

Trở về nhà, nhìn cảnh chồng, con mình đang hạnh phúc, bất giác tôi thấy sống mũi cay xè, thương những đứa trẻ trong vụ hỏa hoạn mồ côi cha mẹ rồi cuộc sống sẽ như thế nào, nỗi đau mất mát người thân bao giờ được lấp đầy…”.

Nhân viên Trung tâm CTXH và Quĩ BTTE Hà Nội tư vấn, trợ giúp cho đối tượng tại cơ sở 2 của Trung tâm (Ảnh: Trung tâm CTXH cung cấp).

Nhân viên Trung tâm CTXH và Quĩ BTTE Hà Nội tư vấn, trợ giúp cho đối tượng tại cơ sở 2 của Trung tâm (Ảnh: Trung tâm CTXH cung cấp).

Đồng nghiệp của chị Thúy, chị Đặng Thị Mai thì cho biết, chị thường nhận được các ca trợ giúp những đứa trẻ đang trong độ tuổi ẩm ương nên cũng không hề dễ dàng, chúng sẵn sàng “nổi loạn” và bất hợp tác.

Khi đó, chỉ có sự kiên trì, kinh nghiệm và tình yêu thương mới có thể giúp những nhân viên CTXH tiếp cận và nhận được sự chia sẻ, tin tưởng của những đứa trẻ, từ đó mới hỗ trợ, giúp đỡ được các em.

“Trẻ em là đối tượng đôi khi khó tiếp cận hơn người lớn và chỉ khi các em “mở lòng” thì nhân viên CTXH mới có thể trợ giúp chia sẻ, khích lệ để em vượt qua được những suy nghĩ còn tiêu cực của bản thân.

Bản thân tôi, khi trợ giúp các em, ngoài việc kết nối được các dịch vụ, giới thiệu em đi trị liệu tâm lý, gặp gỡ các chuyên gia, tham gia các hoạt động, tôi cũng lưu ý với gia đình luôn quan tâm, chăm sóc, theo dõi sức khỏe của trẻ, đồng thời, kết nối với Tổng đài 111 đánh giá quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ, cũng như tư vấn, trợ giúp các vấn đề pháp lý cho gia đình”, chị Mai cho biết.

Từng tiếp xúc và hỗ trợ hàng trăm đối tượng cần trợ giúp, chứng kiến không ít trường hợp nguy hiểm, khó khăn gặp phải nhưng bao năm nay, cứ mỗi lần nhận cuộc gọi, chị Thúy, chị Mai và những đồng nghiệp làm nghề CTXH lại lên đường.

Với họ, đó không chỉ là công việc, nó còn là niềm vui mỗi khi giúp được ai đó vượt qua những khó khăn, tìm lại chính mình và sự lạc quan trong cuộc sống.

Chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình can thiệp trợ giúp đối tượng của nhân viên CTXH, bà Trịnh Thị Phương, Trưởng phòng Tư vấn và Trợ giúp (Trung tâm CTXH và Quĩ BTTE Hà Nội) cho biết, chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tư vấn và trợ giúp là tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

Như: Nạn nhân của bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, cưỡng bức lao động, người lang thang xin ăn trong thời gian đưa về nơi cư trú và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp khác...

Ngoài ra, phòng còn tham vấn, tư vấn, trợ giúp đối tượng: Tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng, tư vấn thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng;

Giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp, trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch; thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực ngược đãi, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng…

“Đối với hoạt động trợ giúp thường xuyên, nhân viên CTXH phải tư vấn, tham vấn cho đối tượng, chính quyền địa phương trong thời gian khoảng từ 30 đến 60 phút/lần. Một đối tượng có thể phải tư vấn nhiều lần trong một ngày, một ngày tư vấn cho nhiều đối tượng khác nhau; đồng thời phải liên hệ với nhiều cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp trợ giúp.

Trong quá trình trợ giúp, nhân viên CTXH phải trực tiếp làm việc với đối tượng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe nếu như tiếp xúc đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, lao, nhiều đối tượng hung hãn, sử dụng hung khí, có hành vi chống đối…

Với công việc này, nếu không thực sự có tâm và yêu nghề thì nhân viên CTXH khó có thể gắn bó với nghề lâu dài”, bà Phương chia sẻ.

Cù Hòa

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/chuyen-nghe-cua-nhan-vien-cong-tac-xa-hoi-20240402092516112.htm