Chuyên gia: Malaysia sẽ tiếp tục tăng lãi suất OPR để kiểm soát lạm phát lõi trong năm 2023

Mặc dù Ngân hàng trung ương Malaysia có thể không bắt chước lập trường diều hâu mà Fed đã đưa ra bằng cách tăng lãi suất chính sách mạnh hơn nhưng có thể sẽ thực hiện cách tiếp cận có tính toán hơn.

Đồng nội tệ ringgit (RM) của Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng nội tệ ringgit (RM) của Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chi phí đi vay của Malaysia đã tăng lần thứ tư trong năm 2022 sau khi Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) quyết định tăng Lãi suất Chính sách Qua đêm (OPR) thêm 25 điểm cơ bản lên 2,75% tại Cuộc họp Chính sách Tiền tệ (MPC) lần thứ sáu và cũng là cuộc họp cuối cùng của năm 2022.

Việc tăng lãi suất đã được thị trường dự đoán trước. BNM vẫn muốn kiềm chế lạm phát bằng cách tiếp tục tăng OPR vào năm 2023 cho đến khi đạt lãi suất trung bình đạt khoảng từ 3,25-5%.

Theo các nhà kinh tế và quản lý quỹ, mặc dù BNM có thể không bắt chước lập trường diều hâu mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra bằng cách tăng lãi suất chính sách mạnh hơn để ứng phó với lạm phát nhưng ngân hàng này có thể sẽ thực hiện cách tiếp cận có tính toán hơn nhiều.

Tuy nhiên, BNM đang lo ngại về việc tỷ lệ lạm phát lõi đã tăng lên 4% vào cuối tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm 2021, trái ngược hẳn với mức 1,6% vốn được Cục Thống kê Malaysia (DOSM) ghi nhận vào tháng 1/2022 và mức 3,8% vào tháng 8/2022.

Giáo sư Kinh tế, Tiến sỹ Yeah Kim Leng của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sunway (Malaysia) nhận định, thị trường có thể dự đoán nhiều đợt tăng lãi suất chính sách hơn vào năm 2023, khi BNM nỗ lực đạt được mục tiêu ổn định giá cả.

Ông cho biết: “Tăng lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực về cầu, do đó kỳ vọng lạm phát có thể được kiểm soát mà không dẫn đến lạm phát cao hơn. Tuy nhiên, do lãi suất vẫn dưới mức trung bình nên ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ tiếp tục chính sách bình thường hóa. Lãi suất trước đại dịch của Malaysia dao động trong khoảng từ 3,25-5%. Có thể thấy rằng ngân hàng trung ương đang tiếp tục thúc đẩy việc tăng lãi suất. Mức độ và tốc độ tăng sẽ dựa trên lạm phát hiện hành cũng như đà tăng trưởng”.

Tiến sỹ Yeah cho biết thêm lạm phát không phải là vấn đề của riêng Malaysia. Theo Tiến sỹ Yeah, mặc dù BNM không đặt ra mục tiêu lạm phát nhưng mức lạm phát có thể chấp nhận sẽ trong khoảng từ 2,5-3,5%. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng lạm phát sẽ vẫn tăng cao trong môi trường hậu đại dịch cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong tuyên bố ngày 3/11, BNM cho biết, các quốc gia trên thế giới tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm quản lý áp lực lạm phát, đặc biệt là do nhu cầu tăng mạnh và thị trường lao động thắt chặt. Tăng trưởng toàn cầu đang đối mặt với những thách thức từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế, áp lực lạm phát gia tăng ở các thị trường phát triển và thách thức trong nước ở Trung Quốc.

Cùng ngày, báo cáo đánh giá kinh tế của Hãng MIDF Research nhận định quyết định tăng OPR thêm 25 điểm cơ bản của BNM có tính kịp thời nhằm tận dụng lợi thế của các hoạt động kinh tế vĩ mô tăng mạnh hơn dự báo.

Theo MIDF Research, mặc dù BNM cho rằng lạm phát có thể được kiểm soát trong 9 tháng của năm 2022, nhưng ngân hàng nhận thấy lạm phát chính và lạm phát lõi sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh áp lực về nhu cầu và chi phí cũng như những thay đổi có thể xảy ra đối với các biện pháp chính sách trong nước vào năm 2023.

MIDF Research cho biết, có chung nhận định với BNM, đặc biệt là lập trường của Chính phủ Malaysia sau tổng tuyển cử lần thứ 15 về việc chính sách trợ cấp nhiên liệu sẽ quyết định hướng đi của triển vọng lạm phát trong năm 2023.

Tuy nhiên, MIDF Research cho rằng việc tăng OPR cũng được thực hiện với tốc độ có tính toán, do BNM đã từng gợi ý về mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2022 mạnh mẽ và vững chắc được củng cố bởi những cải thiện về điều kiện thị trường lao động và triển vọng thu nhập. GDP của Malaysia đã tăng 8,9% trong quý II/2022 giữa bối cảnh nhu cầu trong nước được cải thiện.

Với xu hướng lạm phát lõi gia tăng và nhu cầu trong nước mạnh hơn dự kiến, MIDF Research dự đoán BNM sẽ tiếp tục tăng OPR lên mức trước đại dịch là 3% vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, quyết định này sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng giá và mức độ cải thiện các điều kiện kinh tế vĩ mô, đặc biệt là khả năng phục hồi của thị trường lao động và nhu cầu trong nước ngày càng tăng.

Trong trung hạn, hãng nghiên cứu MIDF Research cho rằng việc bình thường hóa chính sách lãi suất là cần thiết để tránh những rủi ro có thể gây mất ổn định kinh tế trong tương lai như lạm phát cao kéo dài và nợ hộ gia đình tăng thêm.

Cảng Klang ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảng Klang ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

* Đồng ringgit gặp áp lực khi Fed tăng lãi suất

Ngày 2/11, Fed thông báo nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên ngưỡng 3,75-4%.

Việc tăng lãi suất phổ biến ở mức độ lớn có thể tiếp tục đẩy tốc độ dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế châu Á, vốn đang phải gánh chịu hậu quả của xu hướng "đồng bạc xanh" mạnh.

Theo ông Thomas, Giám đốc điều hành của hãng quản lý tài sản Fortress Capital Asset Management Sdn Bhd, đồng ringgit Malaysia (RM) có khả năng tiếp tục suy yếu so với đồng USD nếu chênh lệch lãi suất giữa hai loại tiền tệ này tiếp tục gia tăng. Vấn đề mạnh hay yếu của đồng ringgit có thể sẽ thay đổi theo các đồng tiền trong khu vực dựa trên các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ trong khu vực.

Ông cho biết: “Đồng USD mạnh lên vốn đã là nhận thức phổ biến đối với tất cả các loại tiền tệ mà không riêng đồng ringgit. Tại một số thời điểm, những lo ngại về tỷ giá hối đoái của đồng USD sẽ giảm xuống và nhu cầu giao dịch thực tế sau đó sẽ thiết lập tỷ giá hối đoái”.

Đồng ringgit tiếp tục giảm so với đồng USD vào ngày 3/11 sau khi Fed tăng lãi suất do tâm lý yếu trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên. Tính đến thời điểm hiện tại, đồng ringgit đã giảm 13,72% so với đồng USD.

Fed cũng báo hiệu tiếp tục thực hiện một vài đợt tăng lãi suất nữa. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên đồng ringgit. Với việc Fed báo hiệu lộ trình tăng lãi suất diều hâu hơn, Hãng nghiên cứu RHB Research dự đoán đồng tiền Malaysia sẽ tiếp tục giảm giá vào cuối năm 2022 với mức trung bình 1 USD đổi 4,4 RM.

* Chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa đồng USD và đồng ringgit có nguy cơ làm thất thoát dòng tiền

Theo Tiến sỹ Yeah, việc gia tăng chênh lệch lãi suất giữa Malaysia và Mỹ có khả năng khiến dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy ra ngoài.

Ông cho biết: “Đồng USD vốn được cho là kênh trú ẩn an toàn nên sẽ có nhiều quỹ chạy trốn khỏi nơi đồng tiền này. Tuy nhiên, đồng bạc xanh cũng sẽ được xác định bởi mức lợi nhuận cao hơn mà các nhà đầu tư có thể nhận được khi đầu tư vào thị trường Mỹ”.

Trong tháng 9/2022, nhu cầu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ Malaysia (MGS) đã suy yếu do Fed tiếp tục lập trường diều hâu trong việc tăng lãi suất.

Tiến sỹ Yeah đánh giá rằng đây là điều không thể tránh khỏi nhưng Malaysia có đủ thanh khoản trong nước để bù đắp dòng vốn nước ngoài dự kiến. Điều này sẽ giúp duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng mặc dù đồng ringgit yếu đi khiến thị trường tài chính bi quan, các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà xuất khẩu có cơ cấu chi phí tính bằng đồng ringgit có khả năng tiếp tục được hưởng lợi khi đồng USD mạnh lên.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu dự kiến chậm lại, nhu cầu nói chung có thể bị ảnh hưởng.

Các lĩnh vực như ô tô, hàng không, truyền thông và dược phẩm có thể sẽ chịu tác động do đồng ringgit yếu nếu không thể chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. Những công ty có chi phí cao tính bằng USD sẽ bị ảnh hưởng./.

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-gia-malaysia-se-tiep-tuc-tang-lai-suat-opr-de-kiem-soat-lam-phat-loi-trong-nam-2023/264735.html