Chuyên gia hiến kế 'ghìm' giá vàng

Cuối năm 2023, khi giá vàng 'phi mã' lên đến gần 70 triệu đồng/lượng, người dân hy vọng giá vàng sẽ được 'ghìm cương'. Nhưng ngay từ đầu năm 2024, giá vàng lại một lần nữa vượt đỉnh, chạm mốc hơn 82 triệu đồng/lượng. Thị trường đang chờ đợi một giải pháp ổn định giá vàng. Báo Lao động Thủ đô có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

Ảnh minh họa

PV: Như ông đã biết, thời gian vừa qua thị trường chứng kiến một đợt tăng giá vàng đạt kỷ lục mọi thời đại. Theo ông, điều gì khiến giá vàng biến động bất thường như vậy?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Trước hết chúng ta phải hiểu quy luật thị trường là giá vàng Việt Nam phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Việt Nam không có nguồn nên phải nhập khẩu nguyên liệu vàng, nên khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước sẽ tăng theo.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm chênh lệch khá lớn 16 - 17 triệu đồng/lượng, thậm chí lên 18 - 20 triệu đồng/lượng thì có những nguyên nhân. Trước hết, việc chúng ta vẫn đang duy trì Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng, trong đó có quy định “Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” đã khiến nảy sinh nhiều bất hợp lý. Hiện Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng, rồi lại giao cho SJC sản xuất vàng miếng và công nhận vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Thực tế hơn 10 năm nay Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên dẫn đến tình trạng khan hiếm vàng miếng. Vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc khan hiếm nguồn hàng đã dẫn đến việc chênh lệch quá lớn giữa giá vàng thế giới và trong nước.

Bên cạnh đó, giá vàng tăng kỷ lục một phần cũng do tâm lý người tiêu dùng muốn tìm đến các kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro. Hiện các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán đang rơi vào thời kỳ bất ổn. Mặt khác, các kênh đầu tư này chỉ dành cho đối tượng nhà đầu tư trung cấp, còn với người dân có nguồn tiền nhàn rỗi thường chọn gửi tiết kiệm và mua vàng cho an toàn.

Đặc biệt theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lãi suất giảm sâu ở tất cả các kỳ hạn. Tới đây, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất. Vì vậy, gửi tiết kiệm ngân hàng không còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân có tiền nhàn rỗi, trong khi giá vàng thời gian qua tăng 14 - 15% khiến tâm lý người dân bị ảnh hưởng, đổ dồn đi mua vàng.

PV: Trong quá trình thảo luận, góp ý sửa đổi quy định Nghị định 24, các chuyên gia đã đặt ra vấn đề làm gì để xây dựng và phát triển thị trường vàng theo kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc sửa đổi Nghị định 24 có thể làm cho thị trường vàng ổn định không, thưa ông?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Phải nói rằng Nghị định 24 giúp ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, khiến Việt Nam chủ động trước những biến động của thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định 24 là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trước đây, các ngân hàng được phép huy động, bán vàng huy động, cho vay nên rất rủi ro.

Cho đến nay, thị trường vàng đã đi vào trật tự nên Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Nghị định 24, không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng, thay vào đó có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi độc quyền giá vàng SJC sẽ dẫn đến chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới, bên cạnh đó, xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung ắt sẽ kéo theo hiện tượng buôn lậu. Nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì chắc chắn giá vàng sẽ giảm.

PV: Vậy theo ông để “ghìm cương” vấn đề loạn giá vàng hiện nay, cần có giải pháp gì?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Có thể Ngân hàng Nhà nước ủy quyền cho doanh nghiệp uy tín, thực lực tài chính được phép nhập nguyên liệu vàng. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có văn bản xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp là: Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) rất bài bản, trong khuôn khổ của Nghị định 24 từ tháng 8/2023.

Phía cơ quan quản lý có thể kiểm soát bằng cách giới hạn số lượng nhập khẩu, không tràn lan, để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và tạo nguồn cung dồi dào, cân bằng cung - cầu. Không cho nhập khẩu vàng không giải quyết được vấn đề. Cần giải quyết vấn đề từ gốc, chứ không phải từ ngọn!

PV: Với góc nhìn của chuyên gia, theo ông người dân hoặc các nhà đầu tư có nên mua vàng vào lúc này?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Chúng ta phải xác định vàng không còn là phương tiện thanh toán mà đơn thuần là hàng hóa. Khi hàng hóa lên đỉnh thì sẽ phải xuống để về trạng thái ổn định. Tùy theo nhà đầu tư quyết định kênh và phương thức đầu tư.

Nhưng với cá nhân tôi, ở thời điểm giá vàng quá cao tôi sẽ cân nhắc lựa chọn danh mục đầu tư. Ví dụ chỉ chi 30% tiền thặng dư đầu tư vào vàng chứ không bỏ hết 100%. Tuy nhiên, nếu ai thích đầu tư vàng và đã đầu tư đủ 30% rồi thì nên bán để chốt lời.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Thoa - Phương Linh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-gia-hien-ke-ghim-gia-vang-167390.html