Chuyện gì đang xảy ra ở New York

Khói mù dày đặc từ các đám cháy rừng ở Canada khiến bầu không khí nguy hại bao trùm khu vực rộng lớn ở Bắc Mỹ, làm gián đoạn nhiều hoạt động và gợi nhắc về đại dịch Covid-19.

Khói mù bao trùm thành phố New York. Ảnh: Reuters.

Canada đang phải đối phó với hàng loạt vụ cháy rừng dữ dội trải rộng từ các tỉnh miền Tây đến Quebec. Gió đã đưa khói từ các đám cháy về phía nam, làm dấy lên cảnh báo về chất lượng không khí trên khắp nước Mỹ.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) hôm 6/6 đã đưa ra một cảnh báo chất lượng không khí kém cho New England, một ngày sau khi nhiều khu vực ở Illinois, Wisconsin và Minnesota nhận được một khuyến cáo tương tự.

Tuần trước, giới chức Mỹ ở tận các bang phía Nam như Maryland, Virginia và Pennsylvania đã báo cáo bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng ở Canada.

Điều gì đang xảy ra?

Khói từ các vụ cháy rừng ở Canada đã lan sang Mỹ kể từ tháng trước. Các đám cháy gần đây nhất ở khu vực gần Quebec đã cháy trong ít nhất vài ngày.

EPA cho biết có khả năng bầu trời sẽ âm u, với tầm nhìn hạn chế và xuất hiện mùi gỗ cháy. Bên cạnh đó, khói mù sẽ tồn tại trong vài ngày ở New England.

“Không có gì lạ khi chúng tôi thấy khói mù từ các đám cháy trong khu vực của mình. Đây là điều rất điển hình ở vùng Tây Bắc Canada”, Darren Austin, nhà khí tượng học và chuyên gia cao cấp về chất lượng không khí của cơ quan quản lý môi trường Rhode Island (Mỹ), cho biết. Tuy nhiên, khói đó thường bay cao hơn trong bầu khí quyển, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, ông nói.

Các đám cháy ở khu vực Quebec lớn và chỉ cách Rhode Island khoảng 800-970 km. Chúng diễn ra sau các vụ cháy rừng ở Nova Scotia (Canada), khiến khu vực phải phát đi cảnh báo về chất lượng không khí trong thời gian ngắn vào hôm 30/5, ông Austin cho biết.

Trong khi đó, việc khói từ các đám cháy rừng ở Canada trôi về phía nam đã biến bầu trời ở một số thành phố lớn nhất của nước Mỹ thành một màu nâu u ám và gây ô nhiễm không khí.

Giới chức đã phát đi cảnh báo về sức khỏe cho hàng triệu người ở miền Đông nước Mỹ và Canada vào hôm 7/6, khi đám khói mù từ hàng trăm đám cháy rừng ở Canada gây ảnh hưởng cho các khu vực đông dân cư từ Ottawa đến Washington D.C, theo Financial Times.

Tại thành phố New York, chất lượng không khí được xếp hạng là tồi tệ nhất trong số các khu vực đô thị lớn trên thế giới vào ngày 7/6, theo chỉ số Chất lượng Không khí Thế giới IQAir.

Đường chân trời nổi tiếng của New York - vốn thường có thể nhìn xa hàng km - dường như biến mất trong một màn khói. Một số cư dân cho biết khói mù khiến họ cảm thấy khó chịu.

“Nó khiến việc thở trở nên khó khăn”, ông Mohammed Abass nói khi đi bộ xuống đường Broadway ở Manhattan.

Mối quan ngại lớn nhất là gì?

Theo Guardian, có nhiều yếu tố dẫn đến việc cảnh báo về chất lượng không khí được phát đi, bao gồm cả việc phát hiện bụi mịn PM 2.5. Khi hít vào, nó có thể đi sâu vào mô phổi và đi vào máu. PM 2.5 có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp khác.

“Chúng ta có hệ thống phòng thủ ở đường hô hấp phía trên để chặn các hạt bụi lớn hơn và ngăn không cho chúng đi xuống phổi. Tuy nhiên, đây (PM 2.5) lại có kích thước phù hợp để vượt qua các lớp phòng thủ đó”, tiến sĩ David Hill, nhà nghiên cứu về phổi ở Waterbury (Connecticut) và là thành viên của ban giám đốc quốc gia của Hiệp hội Phổi Mỹ, cho biết.

Khi những hạt bụi đó rơi vào không gian hô hấp, cơ thể có khả năng xuất hiện triệu chứng viêm để phản ứng lại với chúng, ông chia sẻ thêm.

Trent Ford, nhà khí hậu học bang Illinois, nhận định điều kiện khí quyển ở vùng Trung Tây tạo ra thời tiết khô, ấm khiến các hạt bụi nhỏ từ các đám cháy rừng ở Canada có thể di chuyển hàng trăm km và tồn tại trong nhiều ngày.

“Đó là một ví dụ điển hình về mức độ phức tạp của hệ thống khí hậu, cũng như mức độ liên kết của nó”, ông Ford nhận định.

Những ai nên thận trọng?

Tiếp xúc với mức độ ô nhiễm bụi mịn cao có thể ảnh hưởng đến phổi và tim. Những người dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người lớn tuổi và những người mắc bệnh phổi, chẳng hạn hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên thận trọng trước cảnh báo về chất lượng không khí.

Laura Kate Bender, Trợ lý phó chủ tịch quốc gia của Hiệp hội Phổi Mỹ, cho biết trẻ em - vốn thường được khuyến khích ra ngoài chơi - “dễ bị ảnh hưởng bởi khói hơn”.

“Phổi của chúng vẫn đang phát triển, chúng hít vào nhiều không khí hơn trên một đơn vị trọng lượng cơ thể”, bà lý giải.

Người dân nên làm gì?

Theo Guardian, người dân nên tạm dừng việc làm vườn và tập thể dục ngoài trời vào thời điểm này. Nếu ra ngoài, người dân hãy cân nhắc đeo khẩu trang N95 để giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm.

Giới chức thành phố New York tối 6/6 kêu gọi những người dễ bị tổn thương về sức khỏe đeo khẩu trang chất lượng cao khi ra ngoài trời.

“Nếu bạn là người lớn tuổi hoặc có vấn đề về tim hoặc hô hấp và cần phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang chất lượng cao (chẳng hạn N95 hoặc KN95)”, văn phòng Thị trưởng Eric Adams cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 6/6. Thành phố cũng kêu gọi người dân New York ở trong nhà khi có thể.

“Với những người Mỹ đang hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm, đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe, điều quan trọng là phải lắng nghe chính quyền địa phương để bảo vệ bản thân và gia đình”, Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ trên Twitter.

Khi ở trong nhà, người dân nên đóng cửa ra vào, cửa sổ và lò sưởi. Người dân được khuyến cáo nên để điều hòa không khí chạy với chế độ tuần hoàn.

“Nếu bạn có các bộ lọc trên hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) tại nhà, bạn nên đảm bảo rằng chúng hiện đại và có chất lượng cao. Một số người, đặc biệt là những người mắc bệnh nền phổi hoặc bệnh tim, nên cân nhắc đầu tư vào máy lọc không khí tại nhà”, ông Hill cho hay.

Thảm họa khiến hơn 24.000 người Canada phải sơ tán Chính quyền tỉnh bang Alberta, Canada ngày 6/5 đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi nơi này ghi nhận hơn 100 vụ cháy rừng, thiêu rụi 120.000 ha và khiến hơn 24.000 người sơ tán.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-new-york-post1438078.html