Chuyển đổi số góp phần thực hiện các mục tiêu lớn

Xác định chuyển đổi số là bước đột phá để phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đã cùng vào cuộc, thực hiện việc chuyển đổi số từ cộng đồng dân cư, thôn bản, xã phường đến các cơ quan đơn vị nhà nước, các nội dung chuyển đổi số đã và đang giúp thay đổi từ những điều nhỏ nhất, góp phần chuyển đổi số trên quy mô lớn hơn.

Đi chợ không cần tiền mặt, nộp thuế qua điện thoại

Với nhiều người dân Thái Nguyên, chuyển đổi số không còn là chuyện xa lạ mà đã hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Chuyển đổi số giúp người dân thuận tiện rất nhiều trong đời sống cũng như thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học... Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đối với hạ tầng số, tỉnh quan tâm phát triển mạng lưới viễn thông di động, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng “lõm” thông tin. Đến nay, 100% các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang, với tốc độ tải về trung bình đạt gần 80Mbps (tăng gần 30% so với năm 2021 và tương đương mức trung bình toàn quốc). Toàn tỉnh hiện có 86% người dân sử dụng các dịch vụ Internet, với 1 triệu thuê bao Internet băng thông rộng di động, 246.000 thuê bao Internet băng thông rộng cố định; 1,3 triệu người dân sử dụng điện thoại, đạt tỷ lệ 95% số dân.

Hạ tầng số được quan tâm đã giúp chuyển đổi số phát triển vững vàng trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số). Đối với chính quyền số, tỉnh đã cung cấp tích hợp 100% thủ tục hành chính toàn trình (760 thủ tục) lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, giảm 50% mức thu đối với 6 hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh, góp phần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Về lĩnh vực kinh tế số, các hoạt động thương mại điện tử diễn ra sôi động và phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực. Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 107 chợ thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Toàn tỉnh hiện có 324 doanh nghiệp công nghệ số, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn năm 2022 đạt trên 833.000 tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD). Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh hiện đang quảng bá, giới thiệu 2.600 sản phẩm; trên 68.000 tài khoản kinh doanh trực tuyến được kích hoạt... Ngoài ra, 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt.

Về xã hội số, Thái Nguyên đã triển khai nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID, hỗ trợ công dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ số phục vụ cuộc sống, như dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ việc làm, dịch vụ nhà ở… Tỉnh cũng thành lập 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số; xây dựng hệ thống du lịch thông minh; số hóa 16 điểm di tích tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa…

Thực hiện các mục tiêu lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến, Nghị quyết số 01/NQ-TU được ban hành đã mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới và sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, qua đó có tác động tích cực toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể trong lĩnh vực phát triển hạ tầng số: tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet băng rộng cáp quang đạt 72%. Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 1.800 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS); tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang đạt 100%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn, kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh, phục vụ an toàn, kịp thời các phiên họp trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 177/177 kênh cấp xã, phường.

Trong phát triển chính quyền số: việc triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đạt được nhiều kết quả tốt, đã thực hiện được 25/25 dịch vụ công thiết yếu, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận trả kết quả trên Cổng dịch vụ công đối với 24 thủ tục hành chính mới được bổ sung theo Quyết định số 442-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, thực hiện thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trong quý III.2023 đã thu nhận 9.211 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, 754.250 tài khoản định danh điện tử. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng chính thức tại tất cả các bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh, đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ…

Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Mặc dù còn nhiều khó khăn cũng như những hạn chế trong quá trình chuyển đổi số, nhưng từ những kết quả đã đạt được, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt, chủ động của cả hệ thống chính trị, chắc chắn Thái Nguyên sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, duy trì thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và sớm trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030. Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến nói.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/chuyen-doi-so-gop-phan-thuc-hien-cac-muc-tieu-lon-i347129/