Chuyện của làng thời nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới ở H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thời gian qua không chỉ là chuyện đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... mà còn là chuyện bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Dù đã có nhiều đổi thay nhưng việc gìn giữ nếp làng của ông, cha để lại ở vùng nông thôn này vẫn luôn hiện hữu một cách thân thương và bình dị.Xây dựng nông thôn mới ở H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thời gian qua không chỉ là chuyện đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... mà còn là chuyện bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay. Dù đã có nhiều đổi thay nhưng việc gìn giữ nếp làng của ông, cha để lại ở vùng nông thôn này vẫn luôn hiện hữu một cách thân thương và bình dị.

Dân làng thôn Túy Loan (xã Hòa Phong) tổ chức nghi lễ “Rước sắc phong” của một làng quê xưa.

Ở thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong), để các di tích cổ xưa không chỉ hòa nhập vào thời đại mới, mà còn trở thành sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, 24 tộc họ trong thôn đã duy trì hoạt động hiệu quả nếp sinh hoạt của làng, như sáng Mồng 1 Tết âm lịch, người dân tập trung ở ngôi đình cổ kính với các nghi lễ trang trọng, trong sự thành kính tri ân của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân và những ai đã từng gắn bó với mảnh đất này. Bà Trần Thị Tám chia sẻ: “Hồi mẹ tôi còn sống hay kể chuyện về ngôi đình này cho anh em tôi nghe. Rằng thời kỳ kháng chiến, đây là nơi ẩn nấp hoạt động cách mạng của cán bộ, du kích địa phương nên đình bị địch bắn phá dữ dội, trở nên hoang phế. Kết thúc chiến tranh, chính quyền địa phương huy động sức dân sửa sang lại ngôi đình”… Và nét đẹp truyền thống đó tiếp tục được dân làng các thôn An Trạch, Lệ Sơn, La Bông (xã Hòa Tiến) gìn giữ, phát huy. Minh chứng rõ nét là việc người dân địa phương đã xã hội hóa, vận động con cháu xa quê đóng góp gần 6 tỷ đồng xây mới lại các ngôi đình đã bị chiến tranh, thiên tai tàn phá để có nơi thờ tự, tri ân công đức các bậc tiền nhân khai hoang, lập làng. Trong nghi lễ cúng đình, người dân các làng cũng tổ chức đầy đủ hình thức diễn xướng, phác họa lịch sử phát triển của một làng quê từ xa xưa đến hiện đại nhằm lưu giữ truyền thống và tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt.

Người dân thôn La Bông (xã Hòa Tiến) trồng cây xanh bảo vệ cảnh quan đình làng.

Còn ở thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn), thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở yên đó”, ngoài việc thay nhau trực chốt kiểm soát theo phương châm “thôn cách ly với thôn”; tổ COVID cộng đồng của thôn còn phân công những người “đi chợ hộ” xuống gặp từng hộ dân để xem họ cần gì, thiếu gì thì kịp thời đáp ứng, cần thiết vận động hỗ trợ, đảm bảo cho bà con ai cũng có cuộc sống ổn định. Nhớ lại quãng thời gian này, chị Trần Thị Kim Nụ - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn hóm hỉnh: “Nói “đi chợ hộ” nhưng có nơi nào họp chợ đâu, nên phải nói là “đi tìm chỗ có chợ mới đúng”. Đó là những nơi mà mình biết rõ người dân trong thôn đang trồng gì hoặc phải tìm đến các cửa hàng thiết yếu mua giúp lọ thuốc nhỏ mắt, thuốc đau bụng giúp bà con. Rồi loanh quanh giao hàng, có nhà thì sát triền sông, nhà thì ở trên đồi cao, đến lúc giao hàng cho các hộ gần nhà thì bị họ chê lên, chê xuống nào “rau héo, quả hư”, nào “chờ đợi lâu quá”... Chị em tui chẳng khác nào “làm dâu trăm họ”. Trong khi đó, việc ở nhà thì phó mặc cho chồng con, nhưng được cái người dân “hờn đó, vui đó” nên cũng không để bụng làm gì”.

Nay, nét đẹp nghĩa tình và đoàn kết tiếp tục được người dân các địa phương phát huy giá trị trong xây dựng nông thôn mới khi ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tiết kiệm, hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; chăm lo công tác an sinh xã hội của các cấp hội, đoàn thể vì cuộc sống cộng đồng. Ðã có biết bao gia đình hiến đất, góp ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp giao thông nông thôn, trường học, trụ sở sinh hoạt văn hóa; người dân quê còn chung sức làm nên những tuyến đường xanh - sạch - đẹp, những khu dân cư kiểu mẫu, thôn xóm văn hóa tiêu biểu… “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự bình yên trong tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái. Những giá trị “hồn cốt” của làng quê sẽ là chất keo kết chặt tình người, tình quê hương xứ sở, nhân lên điều tử tế trong cuộc sống, loại bỏ dần những mâu thuẫn, xích mích thường ngày” - cụ Trà Văn Sinh (thôn La Châu, xã Hòa Khương) trải lòng.

Có thể nói, lưu giữ nếp làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống để viết tiếp những câu chuyện của làng thời nông thôn mới. Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn để mỗi người dù đi đâu vẫn nhớ, vẫn tự hào về quê hương mình. Chính cái bề dày lịch sử, cái chiều sâu hun hút của văn hóa mà ông, cha để lại đã kết dựng nên bức tường thành kiên cố chống lại những tác động tiêu cực của đời sống hiện đại, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chuyen-cua-lang-thoi-nong-thon-moi-post277285.html