Chuyến công du hạ nhiệt căng thẳng và gỡ rối khúc mắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5-10/5 tới. Đây là chuyến công du châu Âu đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc trong vòng 5 năm qua, có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển chung trong quan hệ của Bắc Kinh với 3 quốc gia nêu trên nói riêng, quan hệ Trung Quốc - châu Âu nói chung. Chuyến thăm cũng sẽ tạo những động lực mới cho sự phát triển hòa bình của thế giới.

Theo lịch trình, tại Pháp – điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron. Chủ đề chính trong chương trình nghị sự của chuyến thăm Pháp được cho là xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

Theo thông báo từ Điện Elysee, hai nhà lãnh đạo “sẽ tập trung thảo luận về các cuộc khủng hoảng quốc tế, trước hết là cuộc xung đột ở Ukraine và tình hình ở Trung Đông, các vấn đề thương mại, hợp tác khoa học, văn hóa và thể thao”. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Emmanuel Macron cũng sẽ thảo luận về “các hành động chung nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, đặc biệt là tình trạng khẩn cấp về khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và tình hình tài chính của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định, mối quan hệ song phương với Pháp duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và cả hai nước đều duy trì liên lạc chiến lược và hợp tác thực chất. Ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Pháp lên một mức độ mới, tạo động lực mới cho việc phát triển lành mạnh mối quan hệ giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU), đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và tiến bộ trên thế giới. Trung Quốc mong muốn phối hợp với Pháp để tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, đoàn kết và hợp tác”. Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp ra tuyên bố cho hay, chuyến thăm diễn ra nhân dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và là “sự tiếp nối” chuyến thăm của ông Emmanuel Macron tới Bắc Kinh và Quảng Châu vào tháng 4/2023.

Quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang căng thẳng vì nhiều khúc mắc.

Trước đó, trong cuộc điện đàm hôm 27/4 với Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Paris thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) áp dụng chính sách “tích cực” và “thực tế” với Trung Quốc, trong bối cảnh khối này đang siết chặt kiểm soát sản phẩm và phàn nàn về cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ông nêu rõ, Bắc Kinh và Paris theo đuổi “độc lập và tự chủ”, phản đối việc “phân chia thế giới và đối đầu giữa các phe”, đồng thời cho rằng, cộng đồng quốc tế kỳ vọng hai nước sẽ có “tiếng nói chung”. “Vào thời điểm tình hình quốc tế phức tạp và bất ổn, có nhiều thách thức và điểm nóng, cộng đồng quốc tế mong muốn Trung Quốc và Pháp hình thành lập trường thống nhất về các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình, ổn định thế giới cũng như tương lai và vận mệnh của nhân loại, đồng thời đưa ra tiếng nói chung”, Bộ trưởng Vương Nghị nói.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc cũng khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường trao đổi cấp cao với Paris và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực lên một tầm cao mới. Về phần mình, ông Emmanuel Bonne nhận định, Pháp và Trung Quốc nên chung tay giảm leo thang các điểm nóng, giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đóng góp tích cực để thu hẹp khoảng cách giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, tránh đối đầu giữa hai phe. Tại điện đàm, hai bên nhất trí hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo, tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tạo nên “môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp của hai bên”. Hai bên cũng khẳng định phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Palestine.

Sau Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới Serbia và thảo luận với Tổng thống Aleksandar Vucic về việc tăng cường định vị các mối quan hệ song phương và vạch ra lộ trình cho mối quan hệ phát triển trong tương lai. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ Euro vào Serbia trong thập kỷ qua, chủ yếu vào các dự án năng lượng và cho vay cơ sở hạ tầng. Vào tháng 10 năm ngoái, Serbia và Trung Quốc đã ký hiệp định thương mại tự do trong chuyến thăm của Tổng thống Aleksandar Vucic tới Bắc Kinh, tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) lần thứ ba.

Trong khi đó, Hungary xác nhận sẽ đón nhà lãnh đạo Trung Quốc sang thăm từ ngày 8-10/5. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hungary. Ông Lâm Kiếm khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hungary sẽ thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới, mở ra chương mới cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-EU. Mặc dù có quy mô nhỏ với dân số vào khoảng 9,6 triệu người, nhưng Hungary đã thu hút hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây, chủ yếu liên quan đến sản xuất pin và xe điện (EV). Chính phủ Hungary tiết lộ về việc có các dự án đang triển khai trị giá khoảng 15 tỷ Euro có nguồn gốc từ quốc gia châu Á này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban ủng hộ chính sách đối ngoại “mở cửa phương Đông” kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào năm 2010, tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga và các nước châu Á khác. Năm ngoái, Thủ tướng Hungary là nhà lãnh đạo EU duy nhất tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về BRI tại Bắc Kinh.

Chuyến thăm châu Âu lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong thời điểm mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã xấu đi trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Liên minh châu Âu mở một cuộc điều tra về vấn đề trợ cấp nhà nước của Trung Quốc dành cho các hãng xe điện và tua bin gió của nước này. Đây được cho là một nỗ lực của EU nhằm bảo vệ một số ngành công nghiệp của mình trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ đến từ Trung Quốc. Động thái của Liên minh châu Âu sau đó đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa bảo hộ không thể giải quyết được vấn đề của chính mình. Chủ nghĩa bảo hộ đề cao sự lạc hậu. Chúng tôi kêu gọi EU tuân thủ các quy định và nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc”. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến vào cuối năm nay sẽ kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hoạt động sản xuất xe điện của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Khối này cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành sản xuất tấm pin mặt trời, bao gồm cả cuộc điều tra chống bán phá giá.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, nếu EU kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện bằng cách trừng phạt ôtô Trung Quốc, Bắc Kinh cũng có thể sẽ trả đũa. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đáp trả các hạn chế xuất khẩu của Mỹ bằng cách đặt giới hạn đối với việc vận chuyển hai kim loại được sử dụng trong sản xuất chip của Mỹ là gali và gecmani.

Do vậy, chuyến thăm châu Âu lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là sẽ góp phần giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai bên. Bởi thực tế, căng thẳng gia tăng sẽ kích hoạt những biện pháp ăn miếng trả miếng, qua đó khiến trao đổi thương mại giữa EU và Trung Quốc đứng trước những nguy cơ khó lường.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chuyen-cong-du-ha-nhiet-cang-thang-va-go-roi-khuc-mac--i729855/