Chương trình OCOP mở lối cho nông sản vươn xa

Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống đặc trưng, có lợi thế ở nông thôn; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập của người dân.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Chả giò Kim Ngọc Food (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chế biến sản phẩm chả giò

Khẳng định được chỗ đứng trên thị trường

Có mặt trên thị trường từ năm 2004, các sản phẩm của Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Chả giò Kim Ngọc Food (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) trải qua nhiều thăng trầm. Qua gần 20 năm phát triển, với việc liên tục nghiên cứu và nâng cao chất lượng sản phẩm, các sản phẩm của Cty tạo được chỗ đứng trên thị trường và trở thành đặc sản của TP.Tân An. Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Chả giò Kim Ngọc Food - Lê Ca Bin cho biết: Cty đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất khép kín, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, chế biến cho đến khâu đóng gói, vận chuyển.

Cty hiện có 8 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Chả giò xốp thịt heo, chả giò rế thịt heo, chả giò xốp con tôm, chả giò rế con tôm, chả giò xốp chay, chả giò rế chay, chả giò hải sản phô mai và lạp xưởng tươi. Ông Lê Ca Bin cho biết thêm: “Được công nhận là sản phẩm OCOP đã góp phần giúp các sản phẩm của Cty tham gia các hội chợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Qua những chuyến đi như vậy, chúng tôi nhận được những đóng góp tích cực từ người tiêu dùng về hương vị, mẫu mã sản phẩm,... Từ đó có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng”.

Tại huyện Cần Giuộc, với lợi thế là vùng đất nằm gần cửa biển, tích tụ nhiều phù sa cổ, từ khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng rau màu, đặc biệt là các loại rau ăn lá.

Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) sơ chế rau

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng, để phát huy tối đa tiềm năng kinh tế từ cây rau, ông đã đứng ra thành lập HTX và kêu gọi các hộ trồng rau tại địa phương cùng tham gia.

Ngay từ khi thành lập, HTX đã phát triển theo hướng an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường, bảo đảm tạo ra những sản phẩm rau chất lượng cao để phục vụ thị trường.

Ra đời năm 2012, HTX chỉ có vỏn vẹn 8 thành viên với diện tích canh tác chưa đến 3ha. Nhờ đi đúng hướng, đến nay, HTX đã lớn mạnh với 30 thành viên chính thức và hàng chục thành viên liên kết sản xuất diện tích 40ha. Đặc biệt, 100% thành viên đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 100% nông sản đều được HTX thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường.

“Các loại rau ăn lá, nhất là rau thơm trồng tại huyện Cần Giuộc có mùi vị rất đặc trưng. Nhờ sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện, hiện nay, các loại rau thơm của HTX (rau diếp cá, tía tô, húng quế) được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm rau thơm của HTX Phước Thịnh ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Đặng Duy Dũng phấn khởi nói.

Tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, toàn tỉnh có 147 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 40 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 107 sản phẩm đạt hạng 3 sao, tập trung vào 4 nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược và thủ công mỹ nghệ.

Thời gian qua, để sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả và bền vững, các sở, ngành tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước, nhất là công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các hội nghị, hội chợ, lễ hội, điểm du lịch, quà tặng,... nhằm kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP của tỉnh; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho chủ thể sản phẩm để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP qua các kênh bán hàng trực tuyến như Shopee, TikTok, Lazada, Sendo,...

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cũng tích cực hỗ trợ các đơn vị, cá nhân phát triển các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP được đặt tại Trạm dừng chân Đồng Tháp (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa); Khu du lịch sinh thái trải nghiệm Chavi Garden (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức); Vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa); 2 điểm tại phường 1, phường 2 (TP.Tân An) và 1 điểm tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước.

Thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, trong năm qua, tỉnh tổ chức và tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại gần 50 sự kiện, hội chợ triển lãm, hội nghị ký kết; thông tin, tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể tham gia nhiều hội chợ khác trong và ngoài tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể sản xuất có sản phẩm được công nhận OCOP duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sở cũng tăng cường tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, sàn giao dịch để quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuong-trinh-ocop-mo-loi-cho-nong-san-vuon-xa-a172268.html