Chương trình nghệ thuật mùa Vu Lan 2024: Nêu bật ý nghĩa 'Văn hóa hiếu đạo'

Năm nay, chương trình sẽ bao gồm các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, mang âm hưởng văn hóa ba miền do đạo diễn Điệp Văn dàn dựng.

Chương trình nghệ thuật “Vu Lan - Đạo Hiếu và Dân tộc” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 10 năm tổ chức. (Ảnh: BTC)

Chương trình nghệ thuật “Vu Lan - Đạo Hiếu và Dân tộc” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 10 năm tổ chức. (Ảnh: BTC)

Chương trình nghệ thuật “Vu Lan - Đạo Hiếu và Dân tộc” sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 10/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình An Viên cùng các trang mạng xã hội.

Chiều 21/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Sen Cộng tổ chức họp báo giới thiệu về chương trình này.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức chương trình, đây là hoạt động thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và đại lễ Vu lan Phật lịch 2568-năm 2024, hướng tới chào mừng sự kiện Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Đây là năm thứ 10 Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình này vào mỗi mùa “Vu Lan báo hiếu.”

 Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Trưởng Ban tổ chức chương trình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Trưởng Ban tổ chức chương trình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Năm nay, chương trình sẽ bao gồm các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, mang âm hưởng văn hóa ba miền do đạo diễn Điệp Văn dàn dựng.

“Vu Lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ chung của toàn dân tộc, thể hiện truyền thống tốt đẹp ‘Uống nước nhớ nguồn,’ ‘Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,’ nhắc nhở mỗi con người về giá trị đạo đức cao đẹp, về lòng hiếu thảo, về tinh thần tri ân, báo ân. ‘Vu Lan báo hiếu’ không chỉ là trách nhiệm của mỗi người con mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay góp sức để xây dựng một xã hội hiếu thảo, nơi mà mỗi người con đều biết yêu thương, trân trọng và báo đáp công ơn cha mẹ,” Hòa thượng Thích Gia Quang nói.

Năm nay Ban tổ chức tập trung vào việc đổi mới kết cấu của chương trình giao lưu nghệ thuật, gắn kết chuỗi hoạt động an sinh xã hội với hành trình hướng về Điện Biên Phủ nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chương trình nghệ thuật được xây dựng một cách tỉ mỉ từ nội dung đến việc thiết kế dàn dựng, nêu bật ý nghĩa "Văn hóa hiếu đạo."

 Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ban tổ chức sẽ tổ chức một chuyến hành hương “Theo dấu chân chiến sỹ Điện Biên năm xưa,” viếng Nghĩa trang quốc gia A1, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã nằm lại chiến trường Điện Biên trong những năm kháng chiến chống Pháp khốc liệt và trao quà từ thiện cho gia đình chính sách, khó khăn tại địa phương.

Ngoài ra, Ban tổ chức chương trình dự kiến sẽ trao tặng nhà ăn cho trẻ em mầm non tại vùng khó khăn của tỉnh Điện Biên, trao quà và sổ tiết kiệm cho một số cựu chiến binh Điện Biên... vào trung tuần tháng 7/2024.

Thông qua việc vận động các doanh nhân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ở mọi miền đất nước, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa, tạo ra sự ghi nhớ và thực hành đạo hiếu, chung tay chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ những người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Ban tổ chức cũng sẽ dành một phần kinh phí tặng quà và sổ tiết kiệm cho một số thân nhân gia đình liệt sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn không nơi nương tựa và các mảnh đời gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống./.

Lễ hội Vu Lan có nguồn gốc từ Phật giáo, xuất phát từ tấm gương hiếu thảo của Đại Đức Mục Kiền Liên, được ghi trong “Kinh Vu Lan Bồn.” Là một trong 10 đệ tử vĩ đại của đức Phật, Tôn giả Mục Kiền Liên có năng lực hiếu độ vô biên đã giúp mẹ thoát khỏi cảnh khổ. Kể từ đó, các chùa ở nhiều nơi đã tổ chức Lễ hội Vu Lan vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch để ca ngợi tấm gương hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên.

Ý nghĩa của lễ hội Vu Lan trước hết là thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. Những năm gần đây, lễ hội Vu Lan được tổ chức ở nhiều nơi ngày càng có quy mô lớn hơn, phần nghi lễ cũng trở nên trang trọng hơn, lễ Vu Lan không chỉ diễn ra trong phạm vi của các tín đồ Phật giáo mà đã thấm nhuần, trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuong-trinh-nghe-thuat-mua-vu-lan-2024-neu-bat-y-nghia-van-hoa-hieu-dao-post954618.vnp