Chung một đam mê

Dù cả hai đã ở vào cái tuổi 'thất thập cổ lai hy' nhưng với ông Giảng bà Kỳ, được ở bên nhau, mỗi ngày được cùng nhau làm công việc mình yêu thích, đam mê thì đó là hạnh phúc không gì sánh bằng…

Gác lại những lo toan bộn bề của thời trẻ, ôn hòa niềm vui bên cháu con, quỹ thời gian còn lại, bất kể nắng mưa, ông Phạm Đình Giảng và bà Phạm Hồng Kỳ, ở khu đô thị Thái Lào, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) vẫn song hành, cùng đam mê đan lát. Theo như mong muốn của ông bà là cùng được già đi bên nhau … Khi cuộc sống “bóng ngả sang chiều”, việc trân quý từng giây từng phút bên nhau đáng quý biết bao nhiêu.

Nhớ lại ngày đầu “chân ướt chân ráo” từ Bảo Yên lên thành phố Lào Cai, vẫn còn sung sức, nên hễ ngày nào có phiên chợ, ông bà lại rong ruổi trên xe máy, chở nhau đi các chợ phiên Cốc Ly (Bắc Hà), Pha Long (Mường Khương) đến chợ phiên Mường Hum, Y Tý (Bát Xát) chỉ để… học đan lồng chim. Dáng người thấp đậm, nước da bánh mật, giọng nói hiền từ và nụ cười đầy nhu mì, nhưng ở ông vẫn toát lên tính cách của một người đàn ông chân thành, phong lưu. Bà thì đẹp lão, vẻ đẹp của người đàn bà thời thanh xuân sắc sảo dù những vết chân chim của tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn không làm mờ đi các đường nét thanh tú trên gương mặt.

Trong ngăn ký ức của những ngày chập chững theo nghề đan lát, ông Giảng vẫn nhớ như in câu chuyện để đời - khi lần đầu tiên học cách đan lồng chim. Ông lên chợ phiên Pha Long - Mường Khương, gặp một người đàn ông dân tộc Mông bán chiếc lồng chim rất đẹp. Ông Giảng lân la hỏi mua lồng, xong còn mời cả ông bán lồng chim ăn phở, rồi làm thân. Thế rồi, sau “bữa tiệc” phở, ông Giảng rủ người đàn ông Mông ra bên bìa chợ phiên trò chuyện, nhờ ông tháo lồng chim và làm lại để học cách làm lồng chim.

Rất nhanh, ông Giảng ghi vào trí nhớ các thao tác của người đàn ông dân tộc Mông khi tháo ra và lắp ghép lại lồng chim. Thế rồi, trở về thành phố, ông Giảng kỳ công vót vót, đan đan và bắt đầu đan lồng chim. Ông học từ cách đan lồng chim đơn giản, lồng bẫy chim, rồi giờ ông đang học đan chiếc lồng cầu kỳ hơn, đó là lồng chim cu gáy… Giơ cho tôi xem chiếc đáy lồng chim đang đan, ông Giảng bảo: Với mọi người có thể cảm thấy bình thường, nhưng với riêng tôi, khi đan được chiếc lồng cu gáy thì phấn khởi lắm, cảm xúc rất vui sướng, khó diễn tả bằng lời.

Không ít lần đội nắng, giãi mưa, ông bà vẫn cần mẫn chở nhau trên chiếc xe máy cũ, rong ruổi đến các chợ phiên để nuôi dưỡng đam mê. Bà Kỳ tâm sự: "Cứ được đi cùng nhau là chúng tôi thấy vui rồi. Chả mong cầu gì hơn, chỉ mong có sức khỏe để được làm những gì mình thích. Trời còn cho sức khỏe ngày nào thì đôi tay cũng vẫn sẽ vót nan, đan những vật dụng mà mình đã biết làm và sẽ học để làm những mẫu mới hơn…".

Hồi còn ở phố cũ Đặng Trần Côn, ông đã từng đan những chiếc rổ đựng rau, chiếc rá vo gạo. Đan được, ông bà lại dong xe chở những chiếc rổ, rá qua các con phố, ai mua thì bán. Nhưng sau đó, các con không muốn bố mẹ vất vả nên đã ngăn, ông bà lại ngồi nhà đan và đem treo trước cửa để bán cho khách qua đường. Không ít người được bạn bè, người quen giới thiệu, biết ông bà bán đồ đan lát đã đến tận nhà tìm mua. Với ông bà, việc đan lát giờ đây không còn là mục đích kiếm sống nữa mà mong muốn sống có ích với phần đời của tuổi già.

Thú vui của tuổi già, lại yêu thích và đam mê đan lát nên giờ đây, dù được con cái chăm sóc đầy đủ, điều kiện nhưng ông bà vẫn không ngừng đam mê. Vẫn đặt mua tre, giang và mây về để thỏa niềm yêu thích, thú điền viên của hai vợ chồng già.

Với tôi, có lẽ hạnh phúc nhất vẫn là chinh phục được chính bản thân mình. Mỗi khi học được mẫu đan mới, làm xong, chỉ cần ngồi ngắm nghía thôi cũng thấy vui sướng rồi...

Ông Phạm Đình Giảng, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai)

Mẫu đồ nào chưa làm được, ông Giảng và bà Kỳ còn quên ăn, quên ngủ… Vậy rồi, cứ thế, tự mày mò nhìn mẫu, tháo tháo, đan đan, bao giờ làm được mới thôi.

Nói đoạn, ông Giảng chạy lên tầng nơi vợ cất mấy đồ đan mẫu đầu tay không ưng ý và bảo: Bà ấy chê xấu nên bà cất đi đấy, bảo không mang ra, để đó làm kỷ niệm thôi. Vì với ông bà, đã đan là phải đan cho thật đẹp, không chỉ làm cho có, làm cho xong. Bà luôn tâm niệm và bảo với ông rằng “làm những đồ thủ công mỹ nghệ này, không làm đẹp thì hoài công mình vót nan, chẻ lạt…”.

Tiếp thêm niềm đam mê của ông bà là cô con gái làm phóng viên một tòa soạn báo ở Hà Nội, lúc rảnh rỗi lại lên các trang mạng tìm mẫu đan mới cho bố mẹ thử nghiệm. Cũng từ các mẫu đan này, không đơn thuần làm lồng chim và rổ rá bình thường nữa, ông bà đã học đan những chiếc mẹt tre giang kiểu hiện đại, dày hai lớp để làm bàn uống trà thiền; những chiếc kệ tre ba tầng để đồ gia vị trong gian bếp; rồi những chiếc giỏ đựng quả, giỏ cắm hoa… Cứ mỗi khi biết thêm một mẫu mới, ông bà Giảng - Kỳ lại cùng nhau hoàn thành trong niềm vui giản dị, yêu thương.

Xế chiều, phố xá thong dong trong nắng nghiêng. Cả ông Giảng và bà Kỳ cứ ngồi tỉ mẩn, không ai bảo ai, tự “thi” đan cùng nhau, xem ai làm nhanh, làm đẹp hơn. Giữa không gian yên tĩnh của khu phố, tiếng chim hót xen lẫn tiếng vót nan và cả tiếng trò chuyện của hai tuổi già bên nhau. Ấy vậy thôi mà không phải điều giản dị đó ai cũng có thể đạt được, đó cũng là “đích đến” của rất nhiều vợ chồng trong mỗi nếp nhà trên chặng đường đời…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chung-mot-dam-me-post372261.html