Chứng khoán Mỹ trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm

Chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối tuần, đánh dấu tuần giảm điểm tồi tệ nhất kể từ đầu năm khi giới đầu tư lo ngại các dữ liệu kinh tế quá nóng sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm nhiều đợt nữa.

Các nhân viên giao dịch theo dõi bảng điện trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: Getty

Chốt phiên giao dịch hôm 24-2, chỉ số S&P 500 giảm 42,28 điểm, tương đương 1,1%, xuống còn 3970,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite, tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, giảm 195,46 điểm, (1,7%), xuống còn 11394,94 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 1%, về mức 32816,92 điểm. Cả ba chỉ số đều giảm hơn 2% trong tuần qua, mức giảm hàng tuần lớn nhất trong năm 2023.

Cú giảm điểm mới nhất cho thấy thị trường cổ phiếu Mỹ đang biến động thất thường. Các chỉ số chứng khoán Mỹ bật dậy mạnh mẽ vào đầu năm 2023, với nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng lạm phát tăng chậm lại có thể khiến Fed cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Nhưng triển vọng đó đã trở nên mờ mịt trong những tuần gần đây.

Cơn hưng phấn của nhà đầu tư đã nhanh chóng lụi tàn sau khi một loạt các báo cáo dữ liệu kinh tế của Mỹ chỉ ra rằng lạm phát vẫn cao hơn dự kiến, mở ra khả năng Fed duy trì lập trường thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ để kiềm chế áp lực giá.

Quincy Krosby, nhà chiến lược toàn cầu của LPL Financial nhận định: “Thị trường điều chỉnh sau khi nhận ra rằng con đường hướng tới sự ổn định giá cả còn đầy rẫy những trở ngại. Thị trường đang phát thông điệp rằng chúng ta phải cẩn thận vì Fed cần phải kiểm soát lạm phát và sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế khi làm điều đó”.

Các dữ liệu kinh tế của công bố vào hôm 24-2 càng thổi bùng nỗi lo về việc Fed buộc phải hành động mạnh mẽ hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCEPI) của Mỹ tháng 1 tăng 0,6% so với tháng trước, vượt dự báo của các nhà kinh tế, sau khi tăng 0,2% trong tháng 12. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, được coi là thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng cao hơn dự báo.

Chỉ PCEPI đo lường tất cả các khoản chi tiêu cho tiêu dùng, bao gồm cả những khoản không trực tiếp đến từ thu nhập khả dụng của họ. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ xem xét một rổ hàng hóa được mua từ thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.

Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, nhận định: “Rõ ràng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn vẫn chưa tác động đầy đủ đến người tiêu dùng. Điều này cho thấy Fed còn nhiều việc phải làm để kìm hãm nhu cầu. Dữ liệu mới nhất về tiêu dùng gần như đảm bảo rằng Fed sẽ kéo dài chiến dịch tăng lãi suất lâu hơn rất nhiều so với dự đoán của thị trường chỉ vài tuần trước”.

Phản ứng với đà tăng lạm phát, lợi suất chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm tăng lên mức 4,803%, cao chưa từng thấy trong hơn một thập niên

Hôm 24-2, các hợp đồng tương lai về lãi suất của Fed, được các nhà giao dịch sử dụng để đặt cược vào diễn biến lãi suất, phản ánh kỳ vọng Fed sẽ đưa lãi suất cao lên mức cao hơn đáng kể so với hầu hết những gì nhà đầu tư dự kiến một tháng trước.

David Donabedian, Giám đốc đầu tư tại CIBC Private Wealth US, nói: “Nhận thức của thị trường về hướng đi của chính sách tiền tệ đã thay đổi đáng kể. Những gì hiện được định giá hôm nay thực tế hơn so với những gì mọi người định giá ngay sau cuộc họp của Fed hồi đầu thánng 2”.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa. Hôm 24-2., Joachim Nagel, Chủ tich Ngân hàng trung ương Đức và là thành viên của hội đồng điều hành ECB, cảnh báo lạm phát có khả năng duy trì ở “mức rất cao”, đòi hỏi ECB phải tăng lãi suất đáng kể sau tháng 3.

Tuy nhiên, với nền kinh tế Mỹ đang chống chọi tốt khi đối mặt với lãi suất cao hơn so với dự đoán, một số nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể chế ngự lạm phát mà không gây ra quá nhiều thiệt hại kinh tế.

Brian O’Reilly, Giám đốc chiến lược thị trường của Mediolanum International Funds, nhận định: “Nếu chúng ta có được một môi trường nơi tăng trưởng được duy trì giống như hiện nay, lạm phát tiếp tục giảm và Fed có thể nới lỏng lãi suất, thì đó là một kịch bản khá tốt”.

Theo WSJ, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-my-trai-qua-tuan-giam-diem-manh-nhat-ke-tu-dau-nam/