Chuẩn bị khai thác cát biển ở Sóc Trăng làm đường cao tốc

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khu vực cát biển B1 tại tỉnh Sóc Trăng đủ điều kiện giao cho đơn vị khai thác theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Hôm qua (25/12), tại Sóc Trăng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tổ chức bàn giao kết quả dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho tỉnh Sóc Trăng.

Tham dự lễ bàn giao có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, cùng các sở, ban, ngành.

Quang cảnh lễ bàn giao

Quang cảnh lễ bàn giao

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nguồn vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các tuyến đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị của vùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển của vùng" và giao Cục Địa chất Việt Nam chủ trì thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, sau một thời gian triển khai, đến nay, Cục Địa chất Việt Nam đã thực hiện hoàn thành đánh giá và tổ chức bàn giao hồ sơ cho các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng.

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên

Dự án đã đạt được một số kết quả, trong đó đã hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng, khoanh định được thân khoáng cát biển có diện tích 160,3 km2, tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức bàn giao kết quả đánh giá là niềm vui mừng cho tỉnh cũng như khu vực. Với khối lượng cát biển khoảng 680 triệu m3, sẽ đảm bảo vật liệu san lấp giao thông đang và sắp được triển khai.

Khu vực cát biển tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Khu vực cát biển tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Theo Cục Địa chất Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay đơn vị đã tập trung thi công thực địa, đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 và triển khai một số công tác đánh giá khoáng sản tại khu vực B2 - B4.

Tính đến đầu tháng 11/2023 việc triển khai dự án đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng hoàn thành và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Đối sánh với đặc điểm cát biển tại vùng biển Trà Vinh và Sóc Trăng do Ban QLDA Mỹ Thuận khai thác, thí điểm sử dụng trong xây dựng đường cao tốc với cát biển khu vực B1 là tương đồng. Riêng hàm lượng bụi, bùn, sét của cát biển khu vực B1 cao hơn là do lấy mẫu nguyên khai trong lỗ khoan, còn các mẫu thử nghiệm của Ban QLDA Mỹ Thuận lấy trên sà lan đã sơ bộ được tuyển rửa nâng cao chất lượng trong quá trình khai thác.

Việc thí điểm cát biển tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã hoàn thành

Việc thí điểm cát biển tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã hoàn thành

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác thí điểm cát biển tại cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả thí điểm hiện trường, đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia cho thấy, cát biển có thể sử dụng được cho dự án đường cao tốc.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng chia sẻ khó khăn khi nhu cầu vật liệu cho các dự án rất lớn, đến nay chỉ đưa vào công trường khoảng hơn 2/18,5 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong khi đó, dự án có chiều dài lớn, nhu cầu cát đắp gia tải để xử lý nền đất yếu là rất cấp bách.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm chia sẻ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ các dự án giao thông cho khu vực.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm chia sẻ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ các dự án giao thông cho khu vực.

Đồng thời, giai đoạn 2026 - 2030, khu vực sẽ có thêm các dự án khác như cầu Cần Thơ 2, cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên – Bạc Liêu… Do đó cần khối lượng cát rất lớn, dự kiến trên 50 triệu m3 cát đắp nền.

Vì vậy, việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án đánh giá tài nguyên cát biển tại tỉnh Sóc Trăng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông là phù hợp với tình hình hiện nay khi cát sông gặp khó khăn.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, trong quá trình khai thác cát biển, chúng ta phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đúng theo quy định. Trước khi tiến hành khai thác phải đăng ký công suất; giới hạn khai thác; áp dụng công nghệ khai thác hợp lý phù hợp với khí tượng, hải văn, giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường; thực hiện công tác quan trắc…

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng hoạt động khai thác cát biển chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh, vì vậy quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do đó, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng rất mong Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ GTVT cũng như các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn để tỉnh thực hiện các trình tự, thủ tục đảm bảo đúng theo quy định nhằm sớm triển khai khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/chuan-bi-khai-thac-cat-bien-o-soc-trang-lam-duong-cao-toc-183231225201608327.htm