Chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, việc xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cần phải có cơ chế tuyển dụng phù hợp đối với từng nhóm đối tượng cần thu hút và cần có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững đối với kinh tế - xã hội Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc cho nhân lực chất lượng cao

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại hội thảo “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức chiều 25/4, tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tình với cách thể hiện trong dự thảo.

Đồng thời, tiến sĩ Đoàn Tố Uyên cũng góp ý rằng, để chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao có tính khả thi và đem lại hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô cần quan tâm đến một số nội dung: tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao; vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương và thu nhập đảm bảo ổn định của nhân lực chất lượng cao so với các cán bộ, công chức, viên chức khác; chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp cho nhân lực chất lượng cao; quy trình, thủ tục tuyển dụng và bổ nhiệm cần đơn giản hơn; quyền và nghĩa vụ của nguồn nhân lực chất lượng cao khi trở thành cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (quyền được hưởng chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm, nhà ở, thu nhập…).

"Để thu hút, sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Thủ đô, cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ họ làm việc lâu dài" – tiến sĩ Đoàn Tố Uyên nhấn mạnh.

Sinh viên ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano, Đại học Bách Khoa Hà Nội đang thực hành trên thiết bị. Ảnh: Gia Hân

Cơ chế tuyển dụng phù hợp đối với từng nhóm đối tượng

Theo tiến sĩ Đoàn Tố Uyên, việc xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cần phải có cơ chế tuyển dụng phù hợp đối với từng nhóm đối tượng cần thu hút; có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững đối với kinh tế - xã hội Thủ đô; có chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng, cụ thể, hợp lí; tạo lập môi trường làm việc tốt để những người có kiến thức, trình độ và kinh nghiệm phát huy được năng lực, sự sáng tạo nhất là nhân lực chất lượng cao;

Đồng thời, cần phải đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của TP; các đề xuất, kiến nghị cần có sự nghiên cứu, kế thừa các quy định về chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012, Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, đồng thời, cần phải đáp ứng được nhu cầu về thu hút nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới.

Tiến sĩ Đoàn Tố Uyên đề xuất các chính sách trong lần sửa Luật này phải khác biệt với các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài theo quy định của Luật Thủ đô với quy định hiện hành tại Luật Công chức, Luật Viên chức, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Thống nhất, làm rõ nội hàm tiêu chí xác định nhân lực chất lượng cao và nhân tài như quy định hiện nay theo Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND hay mở rộng phạm vi là người có tài năng, năng lực trong một số lĩnh vực.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chu-trong-thu-hut-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-378672.html