Chữ Quốc ngữ lan tỏa và bước ngoặt với phụ nữ Việt thế kỷ trước

Theo tiến sĩ Đoàn Ánh Dương, sự phổ biến của chữ Quốc ngữ ở nước ta đầu thế kỷ trước tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ Việt Nam phát triển và ý thức về bản thân, nữ quyền.

Sự phổ biến, lan tỏa của chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 20 có ý nghĩa đặc biệt trong xã hội nước ta, đặc biệt là với phụ nữ, khi lần đầu được tiếp cận nền giáo dục công lập, mở ra nhiều cơ hội, chân trời mới.

Tiến sĩ Văn học Đoàn Ánh Dương - nhà nghiên cứu, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - chia sẻ với Tri thức - Znews về chủ đề này.

Chữ Quốc ngữ ảnh hưởng sâu rộng tới vai trò và vị thế của phụ nữ

- Theo ông, chữ Quốc ngữ được đưa vào sử dụng rộng rãi trong xã hội Việt Nam thế kỷ trước có ảnh hưởng như thế nào đối với vai trò và vị thế của phụ nữ?

- Việc lựa chọn, sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ 20 đã làm nên một bước ngoặt trên tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, trực tiếp góp phần khai sinh cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà ngay khi hô hào cải cách xã hội và thực hành đấu tranh giành độc lập, các trí thức ưu tú trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã tin tưởng: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước”; còn Nguyễn Văn Vĩnh thì khẳng quyết: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ”.

Hiển nhiên, trong điều kiện ấy, sự phổ biến của chữ Quốc ngữ có ảnh hưởng sâu rộng tới vai trò và vị thế của phụ nữ. Trước nhất, với việc phổ biến tri thức hiện đại thông qua chữ Quốc ngữ, đàn ông thay đổi quan niệm của họ về phụ nữ và các vấn đề phụ nữ. Sau đó, với việc được học và trau dồi chữ Quốc ngữ, phụ nữ vươn lên tự khẳng định và vun đắp vai trò và vị trí của mình.

- Vậy chữ Quốc ngữ đã giúp mở rộng khả năng tiếp cận tri thức và giáo dục cho phụ nữ như thế nào?

- Các cải cách giáo dục đã mở ra cơ hội học tập cho phụ nữ và trẻ em gái. Dù chỉ phổ biến ở các thang bậc giáo dục cơ bản bắt buộc nhưng rõ ràng việc được đi học như nam giới và thụ hưởng các tri thức khoa học mới mẻ không khác nam giới là một bước ngoặt với người phụ nữ. Đã có rất nhiều gia đình hào hứng với việc cho con gái tới trường.

 TS Đoàn Ánh Dương (bìa trái) cùng PGS.TS Phùng Ngọc Kiên tại lễ vinh danh sách nổi bật 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

TS Đoàn Ánh Dương (bìa trái) cùng PGS.TS Phùng Ngọc Kiên tại lễ vinh danh sách nổi bật 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cùng giáo dục phổ thông là báo chí quốc ngữ. Chính báo chí quốc ngữ đã thêm một lần nữa mở rộng cơ hội tự học cho phụ nữ và trẻ em gái. Rõ ràng, khi được đi học và thụ hưởng tri thức như đàn ông con trai, phụ nữ và trẻ em gái ý thức về quyền, bình quyền cùng bổn phận và trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước.

- Theo ông, phụ nữ thế kỷ trước đã sử dụng chữ Quốc ngữ để thể hiện ý kiến và quan điểm của họ như thế nào qua báo chí và văn chương?

- Ở giai đoạn đầu tiên, phụ nữ mới hiện diện như người đọc. Khi chủ trương các tờ Đăng cổ tùng báo (1907), Đông Dương tạp chí (1913-1919), Nguyễn Văn Vĩnh phải đếm và xướng tên từng người phụ nữ đọc báo, đặt mua báo để cổ vũ họ. Ông cũng tổ chức hẳn mục “Nhời đàn bà” - dù ban đầu chủ yếu do đàn ông viết - để tạo diễn đàn và thôi thúc phụ nữ trực tiếp viết báo, thảo luận về các vấn đề thiết thân với họ.

Về sau, dần dà phụ nữ bắt đầu tham gia viết báo, viết văn. Năm 1918, nhờ sự động viên của Phạm Quỳnh, bà Đạm Phương bắt đầu cộng tác với báo chí. Đây cũng là năm bà Sương Nguyệt Anh được mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Nửa sau những năm 1920, xuất hiện thêm các tên tuổi phụ nữ nổi bật như Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phan Thị Bạch Vân. Và nối tiếp thành công của tờ Phụ nữ tân văn (1929-1935), có đến mươi tờ báo do phụ nữ chủ trương và thậm chí là trực tiếp biên tập đã ra đời, làm sôi động đời sống báo chí và văn chương phụ nữ Việt Nam.

Khi viết báo, viết văn, trước tiên phụ nữ bàn về những vấn đề quan thiết với họ: phẩm hạnh, chức phận, quyền lợi, trách nhiệm, địa vị, sau đó đến các vấn đề xã hội, chính trị.

Có rất nhiều bài báo và tác phẩm văn chương độc đáo của phụ nữ Việt Nam tập trung bàn thảo về các vấn đề nữ học, chức nghiệp, tình yêu và hôn nhân. Cũng có những cuốn sách được phụ nữ biên soạn để hô hào phụ nữ tham dự vào các hoạt động xã hội, giải phóng phụ nữ và giải phóng dân tộc.

Phụ nữ tự hoàn thiện bản thân cùng chữ Quốc ngữ

- Trong bối cảnh xã hội và văn hóa của thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ đã đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy phụ nữ phát triển bản thân và bình đẳng giới?

- Chữ Quốc ngữ là thứ chữ dễ học, dễ phổ biến. Sách báo quốc ngữ có nhiều mục bài phổ thông tri thức thường thức, từ các bình luận “tân diễn” về công dung ngôn hạnh theo quan điểm đạo đức truyền thống đến các kiến thức hiện đại về vệ sinh, thai sản, giáo dục trẻ em, công việc gia đình, phụ nữ chức nghiệp,...

Hẳn nhiên, không ai cấm đoán được và vì thế phụ nữ nếu muốn cũng tiếp cận được tất cả chủ đề nổi cộm khác của đời sống đương thời như các vấn đề tư tưởng, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị,... trên báo chí và văn chương giống như nam giới.

 Phụ nữ Việt Nam thế kỷ trước có nhiều tác phẩm văn chương độc đáo, thể hiện quan điểm về nhiều vấn đề trong xã hội. Ảnh minh họa: Liên Giang.

Phụ nữ Việt Nam thế kỷ trước có nhiều tác phẩm văn chương độc đáo, thể hiện quan điểm về nhiều vấn đề trong xã hội. Ảnh minh họa: Liên Giang.

Khi được đến trường như nam giới, khi được tiếp cận những tri thức như nam giới, phụ nữ tự hoàn thiện bản thân và cùng với đó, ý thức về vai trò, vị thế, quyền lợi và trách nhiệm, từ đó đấu tranh cho quyền phụ nữ, nam nữ bình quyền và nữ quyền - trào lưu tư tưởng và phong trào chính trị xã hội từ phương Tây đang lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng vào Việt Nam thuộc địa.

- Theo ông, ý thức nữ quyền ở Việt Nam thời điểm này phát triển như thế nào?

- Trong khoảng ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, nữ quyền thường được cả phụ nữ và đàn ông - những người quan tâm đến hoặc cổ súy cho việc nâng cao vai trò và địa vị xã hội của người phụ nữ, tiêu biểu như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh - đặt bên cạnh nhân quyền. Vì thế, nữ quyền được hiểu như là quyền phụ nữ và là một bộ phận của quyền con người nói chung.

Từ thập niên 1930 về sau, sự tăng tiến số lượng phụ nữ có học đi cùng sự ý thức ngày càng cao về vai trò và địa vị người phụ nữ khiến cho nữ quyền trở thành một chủ điểm chính trị xã hội, làm nảy sinh các phong trào đấu tranh đòi hỏi nam nữ bình quyền.

Các phong trào nữ quyền cũng được tích hợp vào các phong trào cải cách xã hội và đấu tranh giải phóng dân tộc. Có một bức tranh phức tạp về sự hiện diện xã hội của người phụ nữ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Tuy vậy, nếu có thể gọi tên tư tưởng nữ quyền Việt Nam nửa đầu thế kỷ này, thì đặc điểm nổi bật của nó là sự khẳng định vai trò và địa vị xã hội của người phụ nữ, trong ý thức, sự tự vận động không ngừng nghỉ chống lại sự ỷ lại và tâm thế nô lệ để trở thành người tự lập tự chủ, ở phụ nữ và những người theo chủ nghĩa nữ quyền.

Và như thế thì, không phải lúc nào phong trào phụ nữ Việt Nam cũng trưởng thành và có được ý thức rốt ráo như vậy về quyền phụ nữ, nam nữ bình quyền và nữ quyền.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/chu-quoc-ngu-lan-toa-va-buoc-ngoat-voi-phu-nu-viet-the-ky-truoc-post1463579.html