Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: đầu cơ, khiến nguồn lực xã hội bị'chôn' vào đất

Sáng 13/5, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024.

GDP quý I/2024 ước tăng 5,66%

Tại phiên họp, thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản đạt được kết quả tích cực, có 10/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. So với báo cáo tại kỳ họp thứ 6, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, cải thiện tình hình tăng trưởng kinh tế chậm. Tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ chỉ đạt hơn 5,2%, đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021 - 2025 (6,5 - 7%), năng suất lao động chỉ tăng 3,65%, là năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra...

Cùng với đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng, trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng. Vốn đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn... Công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp) và chứng khoán) còn nhiều vấn đề.

Từ đó, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong quý 1/2024, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn FDI thực hiện đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.

Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024. Theo đó, dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp). Cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Trong khi đó doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế chỉ rõ thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro...

Trong đó, tỉ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng bán ra đã vượt 25.000 đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì ở mức âm.

Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp...

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ đánh giá việc quản lý thị trường vàng còn bất cập. Chính phủ cũng nêu rõ việc hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.

Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

“Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy như: người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.

Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-gdp-quy-i-2024-cai-thien-nhung-chua-co-dot-pha.html