Chủ nhật xanh, ngày ấy và bây giờ

Có nhiều hoạt động trong tổ chức dành cho thiếu nhi, nhưng tôi nhớ nhất, cùng với các buổi diễu hành nhân các dịp lễ trọng hô vang các khẩu hiệu cách mạng là phong trào tập thể dục buổi sáng.

Đoàn viên, thanh niên ra quân Ngày Chủ nhật xanh dọn dẹp vệ sinh tại khu vực ga Huế. Ảnh: Minh Nguyên

1. Ngay sau ngày quê hương giải phóng, chúng tôi là những cô cậu học trò lúc đó mới tuổi lên 10 đang học ở trường làng đã nhanh chóng được tập hợp vào tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong, dù có người như tôi ban đầu chưa phải là đội viên. Trước đó, tôi và các bạn ở làng Dã Lê Thượng (Thủy Phương, Hương Thủy) chỉ có biết đi học, ru rú trong nhà và rảnh rỗi thì… lang thang. Bắt đầu từ mùa hè 1975, khi quê hương được giải phóng, chúng tôi được tập hợp vào tổ chức, được cùng nhau vui chơi, sinh hoạt tập thể, họp hành, diễu hành, lao động và ai cũng hớn hở, hăng hái.

Có nhiều hoạt động trong tổ chức dành cho thiếu nhi, nhưng tôi nhớ nhất, cùng với các buổi diễu hành nhân các dịp lễ trọng hô vang các khẩu hiệu cách mạng là phong trào tập thể dục buổi sáng. Hằng ngày, mới chừng 4 giờ sáng, cả xóm Chùa của tôi đã rộn vang tiếng kẻng báo hiệu. Riêng tôi, nghe tiếng kẻng đã vội bật dậy như chiếc lò xo và cứ thế “mắt nhắm, mắt mở” tiến ra phía ngã ba gần nhà để hòa cùng nhóm bạn. Cả nhóm được nối dài để rồi cuối cùng dừng lại ở sân chùa làng bắt đầu bài thể dục buổi sáng.

Ngày thường, sau buổi tập thể dục là giải tán. Riêng cuối tuần có thêm buổi lao động kế tiếp sau đó cùng các anh chị trong tổ chức Đoàn, Hội đúng theo phương châm “tùy theo sức của mình”. Tụi nhỏ chúng tôi thường được phân công đảm nhận việc quét đường, hốt dọn phân trâu bò, phát quang bụi rậm, bứt lá làm phân xanh và còn một số công việc khác nữa. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các buổi sáng lao động công ích đầu đời, làm vệ sinh xóm thôn kia như một ký ức đẹp, vui nhộn và đầy những hoài niệm vui.

2. Lớp trẻ bây giờ khó có thể hình dung được hình ảnh của những làng quê ven đô ở Thừa Thiên Huế trong ngày đầu mới giải phóng với những con đường đất ngoằn ngoèo, cây bụi không thường xuyên được phát dọn tràn ra che hết cả lối đi, mùa hè bụi bặm và mùa đông thì lầy lội. Đã vậy, ở nhiều con đường và khu dân cư ngập tràn các loại chất thải không chỉ của trâu bò mà còn của cả con người. Trước đó, đa số người dân ở nhiều vùng nông thôn không có thói quen làm nhà vệ sinh. Bởi thế những khu đất hoang hay những con đường đã trở thành những nơi phóng uế. Công việc dọn dẹp vệ sinh của chúng tôi lúc đó, do thế không hề nhẹ nhàng và mang đầy ý nghĩa nhân văn.

Đọc Lịch sử Đảng bộ xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), tôi được biết, một trong những việc làm của chính quyền cách mạng ngay sau khi thành lập là chỉ thị cho các thôn, xóm đình chỉ tất cả các hoạt động để thực hiện tổng vệ sinh từ trong nhà ra đến đường làng, ngõ xóm. Các gia đình đều phải đào hố rác. Cá nhân phải có phòng tắm riêng. Riêng lực lượng thanh niên, học sinh và phụ nữ giải phóng tham gia dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng, tổ chức đào nhiều hố rác công cộng. Khu vực chợ Cầu Hai được dọn dẹp, sắp xếp lại ngăn nắp. Sau đó, được phun thuốc sát trùng diệt trừ ruồi muỗi, sâu bệnh. Toàn xã phát động phong trào ăn chín uống sôi, ngủ phải nằm màn, tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Không chỉ riêng có ở Thủy Phương hay Lộc Trì mà tổng vệ sinh xóm làng bấy giờ đã trở thành phong trào chung, được phát động trong toàn tỉnh. Bao năm tháng dài chiến tranh đằng đẵng, bộ mặt của thôn xóm bị tàn phá bởi bom đạn và không được chăm sóc nên điêu tàn và xơ xác, cần được chỉnh trang lại. Còn nữa là những nếp nghĩ, thói quen thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh cho cá nhân cũng như cộng đồng hằn sâu trong tâm trí của người dân, cần được gột bỏ từng bước qua các phong trào cách mạng, bình dị và gần gũi nhưng lại mang ý nghĩa cách mạng.

3. Đã tròn 5 năm phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” do UBND tỉnh phát động, được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và duy trì đều đặn hàng tuần, trở thành một hoạt động thường xuyên, nề nếp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và toàn xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt của cả đô thị và nông thôn. Nhiều phong trào, mô hình, công trình, phần việc... được phát động, triển khai, thực hiện hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với các địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, giữ gìn môi trường của Thừa Thiên Huế.

Ở tuổi 60, với những gì trải nghiệm, tôi có một cảm nhận về sự tương đồng và gần gũi giữa phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” hôm nay với các hoạt động lao động do tổ chức Đoàn, Hội tổ chức nửa thế kỷ trước. Huế nay không còn nữa những khu dân cư nhếch nhác và các vùng nông thôn cũng đã có diện mạo đổi thay theo hướng hiện đại. Nhà cửa khang trang và đường sá đã sạch đẹp, không còn cảnh “ao tù, nước đọng”. Thế nhưng, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường dù đã có nhiều tiến bộ vẫn là câu chuyện “biết rồi nói mãi”. Bởi thế, vẫn rất cần “những Chủ nhật xanh” để Thừa Thiên Huế luôn xanh - sạch - đẹp.

Cách mạng được hiểu là sự thay đổi. Và với “Chủ nhật xanh” hôm nay cũng như các phong trào vệ sinh thôn, xóm được triển khai và phát động cách nay nửa thế kỷ, tôi đã nghĩ đến một cuộc cách mạng mang tính kế thừa và liên tục, nhằm thay đổi nếp nghĩ và thói quen hướng đến mục tiêu vì cộng đồng sạch, đẹp. Nó được khởi đầu bằng cột mốc 26 tháng 3 và 30 tháng 4, sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất và đang tiếp tục giữ gìn, lan tỏa.

Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-nien/chu-nhat-xanh-ngay-ay-va-bay-gio-140248.html