Chủ động thoát nghèo

Những năm gần đây, khi nhiều hộ đồng bào dân tộc S'tiêng chật vật tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, thì một số hộ dân tộc S'tiêng tại thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng lại có cuộc sống ổn định nhờ chủ động phát triển kinh tế từ nhiều mô hình khác nhau. Đặc biệt có hộ trở thành gương điển hình ở địa phương, tạo động lực cho các hộ khác nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống.

Với những hàng dừa vươn mình tỏa bóng mát bên ao cá, trên bờ vườn bưởi sai trái, xung quanh là từng đàn vịt bơi lội trên mặt hồ…, khung cảnh này khiến người ta nghĩ đến mảnh vườn nơi miền sông nước. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) của hộ ông Điểu Ly Minh (67 tuổi) ở thôn 2, xã Long Hà.

Ông Điểu Ly Minh ở thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng thành công với mô hình kinh tế VAC, chủ lực là nuôi ngan Pháp ngắn ngày - Ảnh: Hoàng Vũ

Ông Minh cho biết: Từ khi Bình Phước có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, tôi đã trăn trở tìm hướng đi cho kinh tế gia đình. Khi đó, gia đình tôi có 2 ha đất trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao, vì vậy, tôi nghĩ cách làm sao phát huy giá trị kinh tế của diện tích đất hiện có. Nhận thấy địa thế thích hợp làm kinh tế VAC nên tôi đã tìm hiểu trên internet và đi học hỏi kinh nghiệm một số mô hình ở miền Tây, sau đó chọn những gì phù hợp để triển khai thực hiện. Tôi đầu tư đào ao nuôi cá, trồng dừa, trồng bưởi... Nhưng chủ lực của mô hình này là chăn nuôi các con giống ngắn ngày như ngan Pháp, gà, cá...

Sau 6 năm thực hiện mô hình VAC, hiện mỗi năm gia đình ông Minh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập giúp ông có cuộc sống ổn định, làm chủ tài chính ở tuổi già. Ông Minh cho biết thêm: Mục đích của tôi là lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, tôi tập trung nuôi ngan Pháp, vịt và gà thả vườn để làm nguồn thu chính. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán được 4-5 đợt ngan Pháp, vịt. Trung bình mỗi đợt xuất bán từ 1.500-2.500 con, khoảng 75 ngày/đợt. Từ đó, lấy tiền đầu tư trồng trọt, nuôi cá kiếm thêm thu nhập. Mô hình VAC giúp gia đình tôi có thu nhập cao hơn so với trồng lúa trước đây.

Cách đó không xa, dưới cái nắng gay gắt giữa trưa, vợ chồng bà Thị Ầm vẫn không nghỉ ngơi mà tranh thủ dọn vệ sinh chuồng bò và cho bò ăn dặm thêm rơm khô vì mùa này khu vực xung quanh ít cỏ tươi. Với sự chăm sóc cẩn thận, đàn bò của gia đình bà Ầm khỏe, đẹp nên các thương lái luôn đặt hàng trước để mua.

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 2 đã chủ động phát triển kinh tế, không còn trông chờ, ỷ lại vào chính quyền. Nhiều hộ đã lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp để phát triển. Trong chăn nuôi, trồng trọt người dân đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, tận dụng mạng xã hội để nâng cao kiến thức và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Vì vậy, đời sống các hộ dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng khấm khá hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Ông LÊ VĂN DƯỢC, Trưởng thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng

Bà Ầm cho biết, cách đây 7 năm, gia đình bà mua cặp bò giống với giá 36 triệu đồng. Qua chăm sóc, phát triển đàn, hiện gia đình bà có 21 con bò. Hằng năm, gia đình bà bán bớt để lấy tiền trang trải cuộc sống. Riêng năm 2023, bà bán 6 con thu về khoảng 100 triệu đồng mua xe ba gác cho con trai có phương tiện làm kinh tế. Cũng nhờ đàn bò, bà có tiền xây, sửa nhà và mua sắm các phương tiện sinh hoạt trong gia đình.

Bà Thị Ầm ở thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng kiên trì chăm sóc đàn bò mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bà Thị Ầm ở thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng kiên trì chăm sóc đàn bò mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Điểu Ly Minh và bà Thị Ầm là 2 hộ dân điển hình về chủ động trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Họ quyết tâm với mục tiêu đặt ra và kiên trì thực hiện từng bước gầy dựng kinh tế, qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều hộ dân học hỏi, noi theo. Nhờ đó, đến nay đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 2 ngày càng khởi sắc, sung túc hơn.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/157433/chu-dong-thoat-ngheo