Chủ động rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý thị trường chứng khoán

Năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương, trong năm 2023, UBCKNN tiếp tục làm tốt nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK.

Theo đó, về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, UBCKNN tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình đề ra. Cụ thể, về công tác rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán năm 2019, tiếp tục các nội dung đã triển khai trong năm 2022, UBCKNN tiếp tục tổ chức rà soát tổng thể Luật Chứng khoán.

Thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, UBCKNN cũng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức rà soát, báo cáo tổng thể tình hình thực hiện Luật Chứng khoán năm 2019 để báo cáo Bộ Tài chính có kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.

UBCKNN cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; chủ động triển khai rà soát các nội dung Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP của Chính phủ để đánh giá các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, cập nhật trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện xử phạt hành chính thời gian qua, phù hợp với thực tiễn xử phạt và sự phát triển của TTCK.

Trong năm qua, UBCKNN cũng đã trình Bộ Tài chính ký ban hành 03 thông tư, gồm: Thông tư số 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước; Thông tư số 69/2023/TT-BTC ngày 15/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thi trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác; và Thông tư sửa đổi Thông tư số 117/2020/TT-BTC về tính khoản thu trái pháp luật.

UBCKNN cũng đã trình Bộ Tài chính xem xét ban hành Thông tư hướng dẫn hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán và việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ do Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý theo Tờ trình số 53/TTr-UBCK ngày 28/4/2023.

Đối với một số chính sách, đề án lớn, UBCKNN đã dự thảo trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Quyết định về Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và hiện nay Chính phủ đang xem xét phê duyệt. Đồng thời, xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ Tài chính về chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030...

Tiếp tục nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK trong năm 2024, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, UBCKNN sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện công tác soạn thảo, xây dựng các Nghị định và thông tư hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch; Hoàn thành xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ký ban hành Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030...

Mới đây, tại Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 về tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ động, thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK cả trước mắt và lâu dài.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chu-dong-ra-soat-co-che-chinh-sach-va-hoan-thien-khung-kho-phap-ly-thi-truong-chung-khoan.html