Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, bởi thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Đoàn kiểm tra chuyên ngành huyện Gia Viễn kiểm tra việc đảm bảo ATTP tại một nhà hàng trên địa bàn xã Gia Vân dịp lễ hội mùa Xuân 2024.

Mới đây, vụ ngộ độc thực phẩm khiến trên 500 người phải nhập viện cấp cứu tại tỉnh Đồng Nai cho thấy công tác quản lý nhà nước về ATTP còn nhiều sơ hở và bất cập. Qua lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm xét nghiệm cho thấy, bánh mì nhiễm khuẩn Salmonella cao, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.Coli và một số vi khuẩn khác.

Tại nhiều địa phương thời gian qua cũng đã xảy ra khá nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hàng trăm người, tại các bếp ăn tập thể trong trường học, doanh nghiệp, trong các đám cưới, liên hoan, lễ hội... Thực trạng thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng, không an toàn trong sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển, khiến nhiều người lo lắng, mong muốn các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ, hạn chế thấp nhất số vụ, số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố do thực phẩm không an toàn. Ban Chỉ đạo ATTP các cấp thường xuyên được kiện toàn, hàng năm ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo phân cấp, quy định.

Đặc biệt, vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân, Tết Trung thu, Tháng hành động vì ATTP, khi tỉnh đăng cai, tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế... tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, công tác truyền thông được quan tâm, đẩy mạnh, huy động được sự tham gia của toàn xã hội trong việc thực hiện các quy định về ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Ngành Nông nghiệp đã quan tâm xây dựng các vùng sản xuất an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chứng nhận các sản phẩm OCOP...

Lực lượng Công an, Quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, hạn chế thấp nhất thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Ngành Y tế giám sát chặt chẽ thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến, bảo quản, đảm bảo thực phẩm đến bàn ăn không bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, hạn chế. Đó là việc quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chồng chéo, bất cập; tình trạng cá nhân tự chế biến, kinh doanh thực phẩm, bán hàng trên các trang mạng xã hội, không báo cáo cơ quan chức năng nên công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ATTP gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, bán thức ăn đường phố, kinh doanh thời vụ, các quán vỉa hè... do ham lợi nhuận, sử dụng hóa chất cấm, thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến, quy trình bảo quản, chế biến không vệ sinh, sử dụng nhiều hóa chất bảo quản, tẩy rửa... nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc, mắc bệnh nhiễm trùng thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để đảm bảo ATTP trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh và các cấp đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm ATTP trong tình hình mới.

Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch triển khai với Chủ đề: "Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới", thông qua đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không an toàn.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về ATTP. Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý ATTP tại địa phương. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về an ninh, ATTP. Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất ATTP và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng, trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP...

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-phong-ngua-ngan-chan-su-co-ve-an-toan-thuc-pham/d20240510085428724.htm