Cho trẻ học bơi ở độ tuổi nào?

Thời điểm vào hè, không ít phụ huynh lên kế hoạch cho con cái đi học bơi. Tuy nhiên, trẻ từ mấy tuổi nên bắt đầu học bơi là thắc mắc của không ít cha mẹ.

Bơi lội có thể hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ, đồng thời giúp giải nhiệt mùa hè. Trước đây, từ xuất hiện xu hướng nhều gia đình mang em bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi tới bể bơi với mong muốn giúp con biết bơi càng sớm càng tốt. Cách này đang gây tranh cãi do thiếu bằng chứng khoa học.

Bên cạnh đó, trẻ không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt như người lớn, có thể nhiễm trùng nếu tắm ở bể bơi công cộng. Vậy độ tuổi phù hợp nhất để trẻ bắt đầu học bơi là bao nhiêu?

Ảnh minh họa

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị, trẻ có thể bắt đầu học bơi khi được 1 tuổi với điều kiện có người hướng dẫn chuyên nghiệp. Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy các lớp học bơi làm giảm khả năng đuối nước với trẻ nhỏ ở độ tuổi này. Tuy nhiên, cho trẻ tiếp xúc với các tư thế bơi lội và hoạt động nhiều hơn trong môi trường nước rộng lớn tạo cơ hội để cha mẹ và trẻ chơi cùng nhau, giúp trẻ làm quen với việc ở dưới nước.

Việc cho trẻ tập bơi từ sớm sẽ giúp hệ hô hấp, tuần hoàn của trẻ khỏe mạnh hơn, tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ, giúp phát triển trí thông minh, ăn ngủ tốt hơn, hình thành được các phản xạ theo hướng tích cực.

Trước khi đăng ký học bơi cho trẻ 1 tuổi, cha mẹ cần xem xét sự trưởng thành về mặt cảm xúc, sự phát triển thể chất cũng như sự thoải mái khi ở dưới nước của con mình để xác định xem con đã sẵn sàng học bơi hay chưa.

Tốt nhất, gia đình bắt đầu bằng cách sử dụng bể bơi dành cho trẻ nhỏ hoặc đưa con đến khu vực bể bơi cạn nhất. Vì trẻ rất dễ bị hạ thân nhiệt nên trẻ cần được bơi ở bể riêng, có nước ấm khoảng 32 độ C.

Cha mẹ thậm chí có thể muốn đăng ký cho con tham gia lớp học bơi dành cho cha mẹ và con để tập cho con thói quen an toàn dưới nước và là một trải nghiệm tương tác thú vị cho cha mẹ và con cái.

Nếu trẻ lo lắng, gia đình dùng giọng điệu nhẹ nhàng, bình tĩnh để trấn an trẻ, giúp bé cảm thấy an toàn và thư giãn hơn. Cuối cùng, trẻ sẽ cần tập các kỹ thuật bơi cơ bản, ví dụ di chuyển cánh tay, đạp chân, khi đã tự tin và thành thạo thì giảm dần phao hỗ trợ. Gia đình không cho trẻ học lặn hoặc dìm trẻ sơ sinh khi bơi, do trẻ chưa sẵn sàng để nín thở dưới nước.

Cha mẹ nên cho trẻ tập bơi vào buổi sáng sớm trong trường hợp cần sử dụng bể bơi công cộng. Lý do là tiếng nước bắn và âm thanh từ đám đông có thể khiến trẻ hoảng sợ, khó học bơi. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần tập trung dành thời gian để dạy bé. Ánh nắng vào buổi sáng sớm bớt gay gắt, giảm tổn thương da. Khi trẻ cảm thấy khó chịu, gia đình nên dừng lại ngay, không nên ép trẻ học bơi; nếu trẻ sợ nước, gia đình nên đợi 1 tháng sau đó thử lại.

Nếu đăng ký các lớp học bơi dành cho trẻ em, gia đình nên ưu tiên tìm người hướng dẫn không chỉ dạy các kỹ thuật bơi mà còn tập trung vào các kỹ năng năng lực sinh tồn dưới nước. Phụ huynh tránh cho trẻ tập bơi ở các bể bơi khử trùng với lượng clo lớn, do có thể làm tăng tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới và dị ứng.

Ảnh minh họa

Khi trẻ lớn hơn ở độ tuổi 3 - 5 tuổi, hầu hết trẻ em đã sẵn sàng học bơi và có thể học các kỹ năng cần thiết như nổi, đạp nước và tìm lối thoát hiểm.

Khi đó, trẻ có thể tinh chỉnh những kỹ năng này và học các kiểu bơi thực tế. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc học bơi không giúp trẻ em “chống đuối nước”; thay vào đó, dạy các kỹ năng “năng lực dưới nước” nhằm giúp con cảm thấy thoải mái khi ở dưới nước và có thể giúp chúng nếu chúng gặp rắc rối với nước.

Lúc này, cha mẹ nên tìm những bài học bơi với những người hướng dẫn có trình độ được đào tạo. Họ cũng phải có chứng chỉ Sơ cứu. Họ nên dạy trẻ không bao giờ bơi mà không có sự giám sát của người lớn, trẻ nên làm gì và làm thế nào để thoát ra ngoài nếu vô tình bị rơi xuống nước.

Phương Anh (Theo Deltahealthco)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nen-bat-dau-cho-tre-tap-boi-o-do-tuoi-nao-d198438.html