Chịu không ít áp lực, yếu tố nào sẽ hỗ trợ kìm hãm lãi suất?

Đã có một số nhận định cho rằng xu hướng lãi suất đi lên sẽ còn tiếp tục, cũng như không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành trở lại, như là một giải pháp để kiềm chế sự mất giá của tiền đồng. Dù vậy, vẫn có không ít yếu tố có thể giúp kìm hãm đà đi lên của lãi suất. Đó là gì?

Áp lực lãi suất

Trong nửa cuối tháng 4-2024, đã có thêm bảy ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn, với mức tăng phổ biến từ 0,1-0,3 điểm phần trăm tùy kỳ hạn. Như vậy, sau một vài ngân hàng lác đác tăng lãi suất trong nửa cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4, xu hướng lãi suất tiền gửi đi lên đã trở nên rõ ràng hơn với ngày càng nhiều ngân hàng quyết định tăng lãi suất.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự đảo chiều đi lên trở lại của lãi suất tiền gửi. Đầu tiên, sau giai đoạn trì trệ đầu năm, tăng trưởng tín dụng từ đầu quí 2 có lẽ đã khởi sắc hơn, khiến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng cũng cao hơn. Thực tế tín dụng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc từ những ngày cuối tháng 3.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25-3 mới tăng 0,26% so với đầu năm, đến 28-3 đã vọt lên 0,9% và số liệu công bố gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy đến 29-3, ngày làm việc cuối cùng của tháng 3, là 1,34%, tức tăng thêm 0,44 điểm phần trăm chỉ sau một ngày và tăng 1,08 điểm phần trăm trong vòng bốn ngày cuối tháng 3.

Trong khi đó, căng thẳng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng cùng với giá vàng leo thang cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, khi có thể đã kích thích một lượng tiền gửi rút ra khỏi hệ thống ngân hàng tham gia đầu cơ lướt sóng ở thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Đáng lưu ý là các ngân hàng đã từ lâu không còn huy động vàng, trong khi trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ hiện vẫn là 0%, nên dòng tiền chuyển sang nắm giữ ngoại tệ và vàng chủ yếu dưới dạng tích trữ, găm trữ thay vì chạy vào lại hệ thống ngân hàng.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) duy trì ở mức cao cũng khiến các ngân hàng phải tích cực huy động vốn trên thị trường dân cư và tổ chức (thị trường 1) nhiều hơn. Giai đoạn đầu năm nay lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng thường xuyên ở mức dưới 1%, kỳ hạn một tuần – một tháng dao động quanh 1-2%, 3-6 tháng từ 3-4%, khuyến khích các ngân hàng khi thiếu hụt thanh khoản sẽ tìm đến thị trường 2. Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay lãi suất qua đêm đã leo lên vùng 3-4%, thậm chí có thời điểm vượt 5%; các kỳ hạn khác cũng duy trì từ 4-5%.

Trong khi đó, vào cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 ở kỳ hạn 1-5 tháng phổ biến từ 2-3%, kỳ hạn sáu tháng trở lên từ 3-5%, nên một số ngân hàng thiếu hụt, căng thẳng thanh khoản và phụ thuộc vốn trên thị trường 2 sẽ chấp nhận nâng lãi suất trên thị trường 1 để tăng huy động vốn với kỳ hạn bền vững hơn nhiều, khi mà mức lãi suất sau khi tăng vẫn thấp hơn so với mức lãi suất phải đi vay mượn trên thị trường 2.

Trước tình hình này, đã có một số nhận định cho rằng xu hướng lãi suất đi lên sẽ còn tiếp tục, cũng như không loại trừ khả năng NHNN có thể tăng lãi suất điều hành trở lại, như là một giải pháp để kiềm chế sự mất giá của tiền đồng. Nhìn sang quốc gia láng giềng là Indonesia ngày 24-4 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 6,25%, cao nhất kể từ năm 2016, nhằm bảo vệ đồng nội tệ khi rupiah đã giảm 5% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay và xuống mức thấp nhất gần bốn năm qua, có lý do để một số chuyên gia phân tích dự báo như trên.

Yếu tố hỗ trợ

Dù vậy, vẫn có không ít yếu tố có thể giúp kìm hãm đà đi lên của lãi suất. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, nhà điều hành càng có lý do để giữ mặt bằng lãi suất ổn định. Mới đây, đại diện NHNN cho biết vấn đề là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, giữ cho tỷ giá được ổn định. Cơ quan này cũng khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù là tăng hay giảm, mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay. Theo đó, ý chí của nhà điều hành chính là yếu tố đầu tiên hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được giữ ổn định.

Thứ hai, với những áp lực từ tỷ giá hay giá vàng, nhà điều hành gần đây đã triển khai các giải pháp để bình ổn thị trường này, trong đó quan trọng nhất là tăng nguồn cung cho thị trường. Thực tế với nguồn cung ngoại tệ được bơm ra trong tuần cuối tháng 4, tỷ giá đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong hai ngày làm việc cuối tháng 4, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng đã giảm 28 đồng, giá giao dịch tại các ngân hàng cũng giảm theo mức tương tự, còn giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã giảm đến 240 đồng trong vòng bốn ngày từ 23 đến 26-4.

Đáng lưu ý, lãnh đạo NHNN gần đây cho rằng thời gian tới, tỷ giá ngân hàng, đặc biệt là tỷ giá trung tâm có thể giữ và giảm dần, khi đó tỷ giá đô la Mỹ ngoài thị trường tự do cũng sẽ giảm theo. Điều này đồng nghĩa với khả năng nhà điều hành sẽ tiếp tục can thiệp thị trường ngoại hối để giữ cho tỷ giá được ổn định, vì cũng theo NHNN tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Rõ ràng khi áp lực tỷ giá không còn, áp lực lên lãi suất cũng giảm.

Với một số lo ngại về việc khi NHNN bán ngoại tệ ra và hút tiền đồng có thể góp phần gây căng thẳng thanh khoản hệ thống, từ đó tác động tiêu cực lên lãi suất, thực tế nhà điều hành cũng đã linh hoạt bơm tiền đồng với khối lượng khá lớn trên thị trường mở (OMO) trong những phiên gần đây. Trong tuần cuối tháng 4, NHNN đã liên tục mua vào lượng giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày lên đến 117.806 tỉ đồng. Điều này cho thấy nhà điều hành sẵn sàng mở rộng tổng phương tiện thanh toán hơn qua kênh OMO để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Trong khi đó, lượng tín phiếu phát hành trong tháng 3 đáo hạn dần càng đưa một lượng lớn thanh khoản quay trở lại hệ thống. Tính chung lượng bơm ròng qua nghiệp vụ mua kỳ hạn của NHNN và kênh tín phiếu (hiệu số giữa tín phiếu đáo hạn và phát hành mới) riêng trong tháng 4 vừa qua là 222.656 tỉ đồng. Trong khi đó, lượng thanh khoản mà NHNN hút ròng qua phát hành tín phiếu riêng trong tháng 3 là 171.200 tỉ đồng. Như vậy, tổng thể NHNN vẫn bơm ròng 51.456 tỉ đồng trong hai tháng qua, con số này cao hơn nhiều so với lượng tiền đồng đã bị hút vào qua kênh bán ngoại tệ. Đây là yếu tố thứ ba có thể giúp kìm hãm đà tăng của lãi suất.

Cuối cùng, NHNN cũng có thể kiên nhẫn chờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất trở lại, khi đó tỷ giá và lãi suất trong nước cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn. Dù xác suất Fed giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 6 tới hiện chỉ ở mức 11%, trong khi xác suất giảm cho kỳ họp tháng 9 là hơn 56%, nhưng biết đâu được nền kinh tế toàn cầu nói chung và Mỹ nói riêng sẽ có những xoay chuyển bất ngờ và có thể khiến ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này hành động sớm hơn dự kiến.

Triệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chiu-khong-it-ap-luc-yeu-to-nao-se-ho-tro-kim-ham-lai-suat/