Chính phủ đề xuất tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng

Tính đến hết năm 2023, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm lũy kế từ đầu của chương trình hỗ trợ 40.000 tỉ đồng chỉ giải ngân đạt khoảng 1.218 tỉ đồng, tương đương 3,05%. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xin được tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất này.

Tính đến hết năm 2023, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng chỉ giải ngân hơn 1.200 tỉ đồng, tương đương 3,05%. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Tính đến hết năm 2023, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng chỉ giải ngân hơn 1.200 tỉ đồng, tương đương 3,05%. Ảnh minh họa: Lê Vũ

TTXVN đưa tin, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Báo cáo cho biết, Nghị quyết 43 quy định hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Để triển khai Nghị quyết 43, tháng 5-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2023, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình chỉ đạt khoảng 1.218 tỉ đồng, tương đương 3,05% của tổng chính sách hỗ trợ 40.000 tỉ đồng.

Nguyên nhân là do khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đối với doanh nghiệp.

Khách hàng vay cũng cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, khách hàng còn lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.

Bên cạnh đó là khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” theo quy định tại Nghị quyết 43. Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi.

Trường hợp khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí nêu trên làm cho ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại nên khó để đánh giá việc đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.

Trên cơ sở đánh giá tính khả thi của chính sách, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 43.

Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, Chính phủ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.

Nguyên Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chinh-phu-de-xuat-tiep-tuc-trien-khai-goi-ho-tro-lai-suat-40-000-ti-dong/