Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại', hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”, ngày 27/3. (Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”, ngày 27/3. (Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Nguyễn Văn Bạo cho biết, cách đây 70 năm, ngày 13/3/1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch, các lực lượng vũ trang cách mạng đã nổ súng, mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường gian khổ, chiến dịch đã kết thúc toàn thắng. Chiến công vô cùng oanh liệt đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại” nhằm tiếp tục khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Giám đốc Học viện Chính trị Nguyễn Văn Bạo phát biểu tại sự hiện. (Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Giám đốc Học viện Chính trị Nguyễn Văn Bạo phát biểu tại sự hiện. (Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Đây cũng là dịp ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; góp phần giáo dục thế hệ trẻ; xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay đã có hàng trăm cuốn sách, hàng vạn bài viết; nhiều hội thảo, hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu; nhiều công trình khoa học ở Việt Nam và nước ngoài phân tích, lý giải ý nghĩa của chiến thắng, bàn luận về nguyên nhân sức mạnh mà quân và dân Việt Nam đã có được để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, với tầm vóc lớn lao và ý nghĩa đặc biệt sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết sâu sắc, toàn diện, xứng tầm trên cơ sở thực tiễn, khách quan, khoa học.

Là người có nhiều năm nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam, Thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng nhận định: Thay đổi phương châm tác chiến là nét đặc sắc, sáng tạo nhất và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, theo đúng lời dặn của Bác trước chiến dịch.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh tầm vóc lớn lao và ý nghĩa đặc biệt sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. (Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh tầm vóc lớn lao và ý nghĩa đặc biệt sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. (Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Rõ ràng đây là một quyết định “cân não”, rất khó khăn lúc bấy giờ và thực tiễn đã minh chứng với việc xác định đúng phương châm tác chiến và áp dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, nhất là hình thức vây, lấn, quân ta đã từng bước tiêu diệt các cứ điểm của địch.

Quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 70 tham luận của các tướng lĩnh, cán bộ, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận tại Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học, khẳng định và làm sáng tỏ bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ trong giai đoạn Đông Xuân 1953 - 1954, đặc biệt là trong việc tổ chức, xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; về quan điểm, tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Bộ Thống soái tối cao, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh.

Các tham luận dù tiếp cận ở các khía cạnh khác nhau, nhưng đều khẳng định vai trò to lớn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy trong chiến dịch Điện Biên Phủ; khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến và chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; thể hiện sức mạnh của quân đội nhân dân, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân.

Đồng thời, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc; cần tiếp tục phát huy giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Hồng Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-thang-dien-bien-phu-gia-tri-lich-su-va-tam-voc-thoi-dai-265702.html