Chiến thắng 30/4 nhớ về nhà báo, điệp viên Phạm Xuân Ẩn

Chiến thắng 30/4 lẫy lừng có những đóng góp to lớn của hàng triệu triệu con dân Việt, trong đó có nhà báo, điệp viên Phạm Xuân Ẩn.

Dù đã về với đất Mẹ, song sự nghiệp và cuộc đời người chiến sĩ cách mạng kiên trung – nhà báo, điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã in đậm trong lòng nhân dân và lại được nhắc đến mỗi dịp lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 hàng năm.

Ông Phạm Xuân Ẩn (phải) trong một lần gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)

Điệp viên chiến lược

Có lẽ đã có nhiều cây bút trong và ngoài nước tìm hiểu, viết về cuộc đời điệp viên Phạm Xuân Ẩn, song trong bài viết này tôi muốn tổng hợp một số thông tin về ông dưới góc nhìn là một nhà báo, đồng thời bày tỏ sự tri ân, kính phục một điệp viên – nhà báo – chiến sỹ cách mạng kiên trung, tài ba. Những hy sinh, đóng góp thầm lặng của ông cùng các chiến sĩ cách mạng khác như: Ông Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương), Nguyên Bí thư BCH Trung ương Đảng, Chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Bí danh Tư Cang) – Cụm trưởng Tình báo H63; Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh (Bí danh Mười Nho) - Nguyên Trưởng phòng Điệp báo, Tổng cục II Bộ Quốc Phòng; bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Bí danh Tám Thảo) – Điệp báo cụm H63... đã góp phần to lớn cho công cuộc chiến đấu, bảo vệ đất nước, thu non sông về một dải như ngày nay.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn sinh năm 1927 tại Đồng Nai. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã tham gia các phong trào thanh niên cách mạng. Năm 1951, dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy viên Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, ông bắt đầu tham gia công tác tình báo.

Thời gian quân Pháp thất bại trên chiến trường Đông Dương, ông Ẩn được trung tướng Edwar G.Lansdale, Trưởng nhiệm sở CIA và trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn tuyển mộ và trở thành cộng sự của phái bộ quân sự Mỹ tại Sài Gòn sau khi Hiệp định Geneva được ký kết.

Đầu năm 1957, Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nghề báo và trở thành nhà báo dày dạn kinh nghiệm của Reuters, sau đó ông còn cộng tác với hàng loạt tờ báo, tạp chí có tên tuổi như: Times, New York Herald Tribune, The Chritian Science Monitor… tại Sài Gòn.

Hoạt động của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn được giữ bí mật cho đến đầu năm 1976, khi ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Là nhà tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn đã dành những tinh túy, sức lực cao nhất để giúp cho sự nghiệp giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước. Quan điểm của ông là bất cứ kẻ ngoại xâm nào, dù đó là Tàu, Pháp, Nhật trước kia, hay Mĩ sang xâm lăng Việt Nam thì đều phải bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Khi ông Phạm Xuân Ẩn mất, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Bí thư trung ương Đảng Trần Quốc Hương vinh danh ông là niềm tự hào của ngành tình báo Việt Nam; còn thế giới thì đánh giá ông là một trong những điệp viên cừ khôi nhất của thế kỷ XX.

Trong những năm kháng chiến, đánh giá về những tin tức tình báo của ông, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”. Còn Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng nhờ những tin tức của Phạm Xuân Ẩn, mà “giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn”. Tổng bí thư Lê Duẩn sau khi nhận được báo cáo của ông đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là “chiến công có tầm cỡ quốc tế”.

Nhà báo - điệp viên Phạm Xuân Ẩn (Ảnh tư liệu)

Nhà báo đáng kính

Trong vai trò là một nhà báo, ông đã sử dụng tài năng của mình, khôn khéo thu thập thông tin, phân tích tài liệu để báo cáo cho cấp trên. Những thông tin của ông đều mang tính tuyệt mật và vô cùng quan trọng, nhờ đó không chỉ giúp quân đội ta tránh được những thiệt hại mà còn giúp Trung ương đề ra những định hướng chiến lược cho công cuộc giải phóng đất nước như: Trận Ấp Bắc 1963, trận Khe Sanh 1968, trận Đường 9 Nam Lào 1971; đồng thời, đập tan Kế hoạch chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và sau này là cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam kết thúc cuộc chiến vào ngày 30/4/1975.

Tuy nhiên, theo GS Berrman – Tác giả cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”, tới hơi thở cuối cùng, ông Ẩn vẫn khẳng định chắc chắn rằng công việc tình báo đã không bao giờ ảnh hưởng tới công việc nhà báo của ông.

Ở cương vị nhà báo, ông Phạm Xuân Ẩn rất giỏi quan sát, nhận biết, đánh giá sự việc, có những mối quan hệ khủng để săn tin, đặc biệt ông luôn tuân thủ các nguyên tắc báo chí đã được học, không tiết lộ nguồn tin.

Ông Ẩn cho rằng: Để làm việc cho Time, anh phải khách quan. Học được điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc thực hiện nghĩa vụ cho đất nước. Báo chí Mỹ khác với tất cả các nền báo chí mà tôi biết. Một phóng viên giỏi sẽ đưa tin chính xác theo những gì anh ta thấy và phải hiểu điều đó là đúng. Nhà báo không được tự biện.

Những người cùng thời nhận xét, nhà báo Phạm Xuân Ẩn được giới báo chí miền Nam Việt Nam trong những thập niên 60-70 cực kỳ kính nể với nguồn tin bài phong phú và cách đánh giá nhìn nhận nhiều chiều. Theo Laura Palmer – một phóng viên chiến trường của Mỹ, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông.

Còn viết về cách tác nghiệp của ông Ẩn, nhà báo Bob Shaplen từng viết rằng: “Ẩn đặt chỉ tiêu mỗi sáng phải tới ít nhất năm điểm (nơi có nhiều tin đồn), trước khi trực chỉ tiệm Givral…”.

Sở dĩ ông Ẩn có được nhiều nguồn tin, ngoài sự thông minh, sáng suốt, ham học hỏi, kiến thức sâu rộng, thành thạo ngoại ngữ, chịu khó, lăn xả ở mọi nơi thì bản tính chân thành, trung thực và đạo đức nghề nghiệp đã giúp ông thành công, trở nên một người giá trị và dành được sự yêu mến của tất cả mọi người, kể cả khi biết ông ở bên kia chiến tuyến.

David Halberstam, phóng viên của Time tại Việt Nam khi biết ông Ẩn là điệp viên đã không hề tức giận mà chỉ bộc bạch rằng: “Đây là một câu chuyện phức tạp. Nhưng tôi vẫn yêu Ẩn! Tôi không cảm thấy bị phản bội. Anh ta phải cư xử như một người Việt Nam trong giai đoạn bi thương của lịch sử đất nước mình. Không thể nào làm khác hơn được".

Trong những tư liệu, tôi chắc rằng ông Phạm Xuân Ẩn đã phần nào ảnh hưởng về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được cấp trên của ông nhắc đến ví dụ như câu chuyện Bác Hồ ra nước ngoài cũng viết báo để kiếm sống, trở về nước, Bác cũng là một nhà báo giỏi.

Tôi đã xem lại nhiều thước phim về ông Phạm Xuân Ẩn và thấy rằng ở trong suốt những năm chiến tranh, ông và gia đình đã chịu nhiều khổ cực, lo sợ, hiểm nguy về tính mạng. Thế nhưng vì lòng yêu nước, căm ghét sự chà đạp, bóc lột, ông đã hy sinh cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng mà cao hơn là tình yêu với tổ quốc, dân tộc Việt Nam.

49 năm đã qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ đói nghèo, lạc hậu, chiến tranh... để trở thành một quốc gia độc lập, hòa bình, phát triển, tự tin sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong tiến trình hội nhập. Thành công vượt trội đó, có những hy sinh, mất mát của hàng triệu triệu con người, trong đó có những đóng góp của thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trong vai trò là một nhà báo – điệp viên. Ông sẽ và mãi trở thành tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí, tự tôn dân tộc... cho thế hệ trẻ Việt Nam soi rọi trong hiện tại và tương lai.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chien-thang-304-nho-ve-nha-bao-diep-vien-pham-xuan-an-317346.html